Prices / Tin thủy sản

Chấm dứt kháng sinh, ngành tôm rộng cửa

Chấm dứt kháng sinh, ngành tôm rộng cửa
Author: Phạm Thu
Publish date: Saturday. December 17th, 2016

Điểm tắc của ngành thủy sản Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng vẫn là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng kháng sinh, hóa chất. Điều này không chỉ khiến hiệu quả nuôi trồng ngày càng thấp mà cửa ra “biển lớn” cũng hẹp dần. Để tháo gỡ khó khăn, ngành thủy sản buộc phải mạnh tay.

Trong ảnh: Chế biến, xuất khẩu tôm chú trọng yêu cầu chất lượng  Ảnh: An Đăng

Ách tắc xuất khẩu

Việc sản phẩm thủy sản của Việt Nam bị các nước nhập khẩu trả về do dư lượng kháng sinh, hóa chất đã không còn là chuyện hiếm; cảnh báo nhiều, xử lý cũng nhiều, thế nhưng tình trạng xấu này chưa thuyên giảm là mấy. 

Đơn cử, tại thị trường EU, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, tính đến tháng 9, đã có 11 lô thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium) vượt giới hạn tối đa cho phép. Tại thị trường Hàn Quốc, tôm đông lạnh Việt Nam cũng bị kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh Nitrofurans (mức giới hạn: không cho phép) với tần suất 10% số lô trong thời gian từ tháng 9 - 12/2016.

Với thị trường Nhật Bản, không năm nào tôm Việt Nam không bị kiểm tra về dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm. Nếu các năm trước đó là Ethoxxyquin, Enrofloxacin… thì năm nay là chất kháng sinh Chloramphenicol. Tuy nhiên, do quản lý tốt nên tần suất kiểm tra chất này ngày càng giảm. Cụ thể, từ giữa tháng 9/2016, giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh này đối với lô hàng tôm và sản phẩm tôm giảm từ 100% xuống còn 30%.

Nỗ lực lấy lại hình ảnh

Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất và ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm. Mục đích bảo đảm sản phẩm tôm an toàn cho người tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Cụ thể, đến hết năm 2016, giảm 10% tỷ lệ mẫu tôm nuôi bị phát hiện vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh so với năm 2015; Giảm 10% số lô tôm xuất khẩu vào các thị trường bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh so với năm 2015.

Đến hết năm 2017, giảm 50% tỷ lệ mẫu tôm nuôi bị phát hiện vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh so với năm 2016; Giảm 50% số lô tôm xuất khẩu vào các thị trường bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước nhập khẩu cảnh báo về tồn dư hóa chất, kháng sinh so với năm 2016. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất kinh doanh tôm.

Cùng với đó, sẽ tiến hành kiểm soát ngăn chặn tạp chất trong tôm. Trước tiên, hết năm 2016, Bộ sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Đề án “Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Tại 4 tỉnh trọng điểm về chế biến, xuất khẩu tôm là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, sẽ tổ chức thống kê và ký cam kết cho các cơ sở nuôi, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biển tôm trên địa bàn không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất; Kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất tôm có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm hoặc sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm trên ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh này ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tôm tạp chất; Kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm hoặc sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm chứa tạp chất tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.


Related news

Nông dân kiệt sức vì nuôi tôm công nghiệp Nông dân kiệt sức vì nuôi tôm công nghiệp

Dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra, giá cả không ổn định, thậm chí một thời gian dài rớt giá thê thảm, trong khi đó, giá cả thức ăn ngày càng tăng

Saturday. December 17th, 2016
Cần nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu Cần nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu

Để có thể gia tăng giá trị xuất khẩu cũng như chiếm lĩnh được nhiều thị trường, sản phẩm cá tra Việt Nam cần được nâng cao kiểm soát

Saturday. December 17th, 2016
Văn hóa ẩm thực văn minh và sản phẩm giá trị gia tăng Văn hóa ẩm thực văn minh và sản phẩm giá trị gia tăng

Sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực chính là một trong những rào cản đối với tư duy sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam.

Saturday. December 17th, 2016