Cây tỷ đô hồ tiêu và 3 vấn đề cần giải quyết
Nhiều giải pháp để phát triển hồ tiêu bền vững- loại cây tỷ đô (mỗi năm xuất khẩu được hơn 1 tỷ USD) đã được các nhà khoa học và một số nông dân có kinh nghiệm chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững” vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông tổ chức ngày 7.6.
Vườn tiêu sinh học của bà Lê Thị Kim Liên (Nhân Cơ, Đăk R’Lấp, Đăk Nông) phát triển ổn định, năng suất cao. Ảnh: D.H
Ngành hồ tiêu rất nhiều “vấn đề”
TS Nguyễn Như Hiến (Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT) cho biết, những năm gần đây diện tích hồ tiêu Việt Nam phát triển rất nhanh. Nếu năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 51.300ha thì đến năm 2016 đã tăng lên hơn 124.500ha.
Trong khi đó, chất lượng hồ tiêu không đồng đều; việc sản xuất theo hướng GAP còn hạn chế; thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến năng suất chất lượng, đồng thời phát sinh nhiều loại dịch hại mà đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, gây thiệt hại lớn cho sản xuất.
Ông Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Cây hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước 3 vấn đề cần giải quyết, đó là tình trạng bùng phát về diện tích; tình trạng khai thác, thâm canh quá mức và an toàn thực phẩm trong sản phẩm tiêu (tuy không phổ biến) chưa đảm bảo.
Để giải quyết những vấn đề trên, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quản lý và hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật. Hiện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang soạn thảo một bộ tài liệu về quy trình sản xuất, canh tác hồ tiêu dựa trên những tiến bộ khoa học mới nhất.
Sau khi phân tích nhiều vấn đề của hồ tiêu, TS Hiến nhận định, lợi thế của hồ tiêu Việt Nam là diện tích, năng suất không ngừng tăng, trình độ canh tác tiến bộ rõ rệt; cây tiêu ở Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ có chất lượng tốt, có thể so sánh với nhiều nước trên thế giới…
Song ngoài những vấn đề đã nêu ở trên, hồ tiêu Việt Nam còn những hạn chế như khó hình thành vùng trồng tập trung, gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, khiến chi phí đầu tư trồng mới cao, tốn nhiều lao động. Giống tiêu chưa được nghiên cứu chọn lọc, độ đồng đều không cao, dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông cho biết, cùng với tình trạng phá vỡ quy hoạch, hồ tiêu Đăk Nông chủ yếu bán dưới dạng thô, nông dân chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm khiến giá trị thu về chưa tương xứng…
Nhức nhối dịch bệnh
Trước tình hình trên, để phát triển hồ tiêu bền vững Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương, ban ngành và nông dân cần thực hiện một số giải pháp: Quản lý, rà soát lại quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, xây dựng ban hành quy định về chất lượng, nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng tiêu; đẩy mạnh chế biến và xúc tiến thương mại; chú trọng sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP; bổ sung các tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ tốt việc xuất khẩu; nâng cao chất lượng cây giống…
Đáng chú ý, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã đưa ra giải pháp cho 2 vấn đề “nhức nhối” nhất đối với người trồng tiêu là phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp và giảm thiểu tác động của hạn hán. Viện Bảo vệ thực vật cũng lưu ý việc phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu.
Theo WASI, qua kết quả nghiên cứu cho thấy ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có 27 loại tuyến trùng thuộc 19 giống. Sự xuất hiện của tuyến trùng làm cây hồ tiêu bị vàng lá, rễ có nốt sần. Đặc biệt là ở Tây Nguyên, tuyến trùng xuất hiện quanh năm với mật độ khá phức tạp, có khuynh hướng phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa.
Để phòng trừ tuyến trùng, bà con cần áp dụng biện pháp tổng hợp từ khâu chọn giống, chọn đất trồng, biện pháp canh tác. Trong đó cần lưu ý chọn giống khỏe, không nhiễm bệnh; không trồng âm; không đào bồn; tiêu nước hợp lý; bón phân cân đối dựa trên kết quả phân tích đất. Để ứng phó với tình trạng hạn hán, ngoài việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, bà con có thể trồng tiêu trên trụ cây sống, trồng xen cà phê…
Đối với việc phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm, Viện Bảo vệ thực vật đưa ra 3 giải pháp: Thực hiện đúng và đầy đủ quy trình hướng dẫn phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm đã được ban hành; khuyến cáo bà con sử dụng chế phẩm sinh học Phyto-M và SH-BV1; dùng chế phẩm đối kháng Trichoderma với phân chuồng hoai mục trước khi bón 7-10 ngày với liều lượng hợp lý.
Có thể bạn quan tâm
Năm nay, mưa xuất hiện sớm, mực nước tại các hồ đập và các công trình thủy lợi đầu mối trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhỉnh hơn so với cùng thời điểm năm 2016.
PG Economics công bố báo cáo mới nhất cho thấy các lợi ích nổi bật về kinh tế và môi trường đối với 26 quốc gia canh tác cây trồng công nghệ sinh học (CNSH)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung Danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017 thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.