Cây lưỡi hổ bị bệnh đốm lá
Tôi trồng cây lưỡi hổ làm cảnh trong nhà, gần đây tôi thấy lá cây xuất hiện những đốm bệnh hình tròn có viền màu nâu. Xin hỏi Bạn Nhà nông, cây bị bệnh gì và cách phòng trị như thế nào?
Võ Thị Ngọc Thắm (xã Thanh Đức- Long Hồ)
Chị Thắm thân mến! Theo mô tả của chị thì đây có thể là bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ. Đây là một trong những bệnh hại nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Bệnh do nấm Colletotrichum spp gây ra.
Khi nấm bệnh mới tấn công, trên lá xuất hiện các đốm nhỏ hơi tròn có viền màu nâu sáng, vết bệnh lõm. Sau đó vết bệnh phát triển lớn hơn và thường có hình tròn, xung quanh nổi gờ, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những ổ bào tử. Trong điều kiện thời tiết, ẩm độ phù hợp, những vết bệnh gần nhau liên kết lại làm lá bị cháy thành từng mảng. Bệnh lây lan từ cây bị nhiễm sang cây khỏe là do sự phát tán của các bào tử thông qua mưa hoặc nước tưới. Nấm bệnh dễ dàng xâm nhập gây hại hơn khi lá bị tổn thương.
Để phòng trị bệnh này, chị cần tránh tưới nước trực tiếp lên lá để đảm bảo phần lá cây vẫn khô thoáng. Chị nên thường xuyên kiểm tra, quan sát để phát hiện kịp thời những vết bệnh mới xuất hiện, nhất là vào mùa mưa, để loại bỏ và tiêu hủy các lá bệnh. Lưu ý là việc cắt bỏ lá bệnh phải được thực hiện trong điều kiện hoàn toàn khô ráo. Dụng cụ cắt tỉa cần được sát trùng để tránh lây lan từ cây bệnh sang cây khỏe.
Chị cũng có thể sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Azoxystrobin hoặc Tubeconazole để phòng trừ bệnh cho cây. Tuy nhiên, chị cần cân nhắc khi sử dụng vì Colletotrichum gây đốm lá trên cây lưỡi hổ ở nước ta chưa được định danh một cách chính xác tên loài. Do đó, nếu tùy tiện sử dụng thuốc hóa học có thể thúc đẩy tính kháng thuốc. Dẫn tới việc khó quản lý được bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ và các loại cây trồng khác, khi chúng bị nhiễm cùng loài nấm này.
Related news
Ấn Độ hoàn tất các thỏa thuận xuất khẩu nửa triệu tấn lúa mì những ngày gần đây và dự kiến sẽ ký thêm hợp đồng để tận dụng giá toàn cầu cao kỷ lục.
Thí nghiệm cho thấy, có thể giảm đến 30% lượng phân bón mà không làm giảm năng suất lúa, nếu kết hợp với phân hữu cơ vi sinh, năng suất cao hơn gần 1 tấn/ha.
Hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân sạ trễ đang bị muỗi hành gây hại. Một ít diện tích lúa ở An Giang nông dân dự định phá bỏ do muỗi hành phá hại.