Cây Đậu Phụng Trên Đất Bình Thuận
Với đặc điểm thổ nhưỡng đất cát bạc màu, thiếu nước tưới, ngoài một số ít diện tích chủ động nước sản xuất lúa, đất nông nghiệp ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) chỉ phù hợp với cây mì; song trồng mì thời gian dài làm cho đất nghèo dinh dưỡng, hiệu quả không cao. Trong điều kiện như vậy, những năm gần đây người dân chuyển sang trồng cây đậu phụng và điều đó đã giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Những năm gần đây, nhận thấy cây đậu phụng rất phù hợp trên chân đất cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên nông dân Bình Thuận tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất. Trong năm 2012-2013, diện tích đậu phụng ở đây trên 565ha, được chuyển từ đất trồng mì và diện tích trồng lúa thiếu nước, tăng gấp rưỡi so với năm trước.
Ông Tạ Văn Thạnh, nông dân ở Bình Thuận, trồng đậu phụng 6 năm liền, cho biết: “Nhờ được ngành chức năng của huyện, tỉnh quan tâm tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và ứng dụng tiến bộ KHKT nên bà con áp dụng vào chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây đậu phụng có hiệu quả. Đồng thời qua quá trình sản xuất, chúng tôi đã tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu đất ở đây cần loại phân gì để cân đối bón cho phù hợp, nên hiệu quả từ cây đậu phụng đem lại khá cao, chỉ riêng vụ đậu phụng Đông Xuân (ĐX) vừa qua có thất thu do thiếu nước tưới”.
“Dù được mùa hay mất mùa, làm đậu phụng không bao giờ bị lỗ vốn, gia đình nào năng suất thấp nhất cũng đủ lấy ngày công và tận dụng phụ phẩm chăn nuôi”
Ông NGUYỄN VĂN PHU ở xóm 10, thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn
Vụ ĐX 2012-2013 là năm xã Bình Thuận có sự đột phá về diện tích trồng đậu phụng, cũng là năm khá vất vả đối với người trồng đậu, song ngược lại năng suất đậu phụng không cao, lợi nhuận thấp, thậm chí nhiều hộ thua lỗ vì điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Từ đầu vụ tới ngày thu hoạch là hơn 3 tháng, nông dân Bình Thuận rất vất vả để duy trì nước tưới cho cây đậu phụng. Do thiếu nước, kết hợp với sâu bệnh nên cây đậu phụng bị ảnh hưởng, năng suất bình quân 28 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với vụ ĐX trước. Mặt khác giá đậu phụng xuống thấp, từ 16.000- 18.000đ/kg đậu khô, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 7.000 đồng/kg nên người trồng đậu phụng không có lãi.
Tuy nhiên cá biệt, có những hộ thuận lợi về nguồn nước, kết hợp với kỹ thuật canh tác tốt, có nhiều kinh nghiệm sản xuất, năng suất vẫn đạt khá, như hộ ông Nguyễn Văn Phu ở xóm 10, thôn Thuận Nhứt, làm 17 sào đậu phụng, bình quân đạt 1,7 đến 1,8 tạ/sào (khoảng 34-35 tạ/ha). Ông Phu cho biết, ở xóm 10, thôn Thuận Nhứt có nhiều hộ sản xuất đậu phụng với diện tích lớn nên thu nhập khá cao. Ngoài bán đậu trái, người trồng đậu phụng còn tận dụng cây đậu làm thức ăn cho trâu-bò hoặc bán cho người có nhu cầu với giá từ 200 ngàn đến 250 ngàn/sào đối với cây đậu tốt. “Dù được mùa hay mất mùa, làm đậu phụng không bao giờ bị lỗ vốn, gia đình nào năng suất thấp nhất cũng đủ lấy ngày công và tận dụng phụ phẩm chăn nuôi” - ông Nguyễn Văn Phu khẳng định.
Có năm được mùa, có năm mất mùa là lẽ đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp, đến thời điểm này cây đậu phụng vẫn là cây trồng có giá trị trên đất Bình Thuận. Ông Thân Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: “Về chủ trương quy hoạch phát triển cây đậu phụng, trong những năm tới xã Bình Thuận vận động nông dân mở rộng diện tích trồng đậu phụng tối đa ổn định khoảng 560 ha; đồng thời chú trọng các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Mặc dù vụ đậu phụng ĐX này không thắng lợi như vụ ĐX trước, song với nhiều kinh nghiệm học hỏi được qua nhiều vụ sản xuất, kết hợp với áp dụng KHKT tiếp nhận qua các mô hình trình diễn, các đợt tập huấn kỹ thuật, cây đậu phụng được xác định là loại cây trồng ngắn ngày giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu trên đất Bình Thuận.
Related news
Nhằm tăng cường công tác quản lý đàn cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu đến năm 2015 có đủ giống cá tra chất lượng cao, sạch bệnh, thay thế toàn bộ giống cá tra hiện nay tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững đối tượng cá tra, ngày 22/7/2013, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1673/QĐ-BNN-Tổng cục Thủy sản , ban hành Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống.
Liên tiếp trong những ngày qua, giá cá bống tượng trên địa bàn thành phố Cà Mau đang có dấu hiệu tăng trở lại, bà con nông dân rất phấn khởi vì sản xuất đã có lãi.
Sáng 2-8, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang tổ chức Hội thi “Nông dân nuôi cá tra giỏi vùng ĐBSCL năm 2013”.