Cây chà là 'bén duyên' đất cát xứ Quảng
Chà là ưa nắng gió, không chỉ cho quả giá trị cao mà còn có triển vọng phủ xanh đất cát ven biển miền Trung, tạo cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái.
Với mục đích trồng thử nghiệm những loại cây mới trên vùng đất cát trắng ven biển, tạo lợi ích bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, Trang trại tổng hợp Tâm An đã trồng 1 ha chà là tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy.
Cây chà là (Phoenix dactylifera) là cây trồng không thích bóng râm, chính vì thế việc trồng cây trên vùng đất cát có nhiều ánh sáng để cây quang hợp và đón nhiều gió giúp cây thụ phấn được tốt hơn, tạo điều kiện cho cây ra quả nhiều hơn, do vậy Trang trại tổng hợp Tâm An thường xuyên cho nhân công phát quang toàn bộ những cây xung quanh, giúp cây chà là phát triển.
Mặc khác, để cây có đầy đủ dưỡng chất, trong mùa khô hạn (từ tháng 4 đến tháng 8), Trang trại đã tiến hành tưới nước cho cây 30 - 60 phút/ngày/lần, tưới vào lúc 4 - 5 giờ sáng hoặc 20 - 21 giờ đêm.
Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình về giống, phân bón, hệ thống tưới nước Israel, huyện Lệ Thủy cũng đã giúp đỡ, hỗ trợ thêm về kỹ thuật trồng cũng như các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, đến nay, cây chà là phát triển tốt.
Cây chà là 3 năm tuổi bắt đầu cho thu quả. Quả chà là sấy khô rất được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Chúng được nhập khẩu từ các nước như Dubai, Israel, Tunisia... và bán tại các chợ, siêu thị.
Trước đây, cây chà là cũng được trồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại rất hiếm khi thấy được cây và trái chà là tươi. Vì ở nước ta, cây chà là gần như tuyệt chủng. Cây chà là đã được nghiên cứu từ rất lâu.
Việc trồng cây chà là trên vùng đất cát không chỉ cho hiệu quả kinh tế mà góp phần đa dạng môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu ven biển, có giá trị làm cây cảnh quan cho nhiều khu đô thị mới, vì vậy, việc trồng thí điểm cây chà là có triển vọng trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho hay, mặc dù thời gian trồng mới được 1 năm, tuy nhiên qua theo dõi sinh trưởng cho thấy cây thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tỉnh Quảng Bình.
Việc trồng thí điểm cây chà là trên cát trắng sẽ góp phần khai thác tiềm năng cho vùng đất ven biển của huyện Lệ Thủy nói riêng và cả tỉnh Quảng Bình nói chung, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nhất là các vùng đất cát ven biển miền Trung.
Related news
Luân canh màu - lúa đang là quy trình canh tác không chỉ giúp gia tăng giá trị, mà còn cải thiện tình trạng bạc màu, suy giảm chất lượng đất do độc canh lúa.
Một số bài học về các nguy cơ, con đường lây nhiễm và cách phòng ngừa, có thể được rút ra sau 4 năm diễn ra Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) ở Trung Quốc.
Từ chỗ chỉ độc canh cây mía, đến nay, cây chanh không hạt của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (Long An) đã thế chân cây mía, cho “trái ngọt” trên vùng phèn mặn