Prices / Mô hình kinh tế

Cây Cà Phê Đưa Bản Hua Sa B Thoát Nghèo

Cây Cà Phê Đưa Bản Hua Sa B Thoát Nghèo
Author: 
Publish date: Friday. June 28th, 2013

Trở lại bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay rõ ràng về cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Những nương sắn, nương ngô cho thu hoạch thấp ngày xưa nay đã phủ kín màu xanh bát ngát của cây cà phê.

Trước đây, bà con ở bản Hua Sa B canh tác trên diện tích đất nương chủ yếu trồng ngô, sắn năng suất thấp. Thu hoạch xong đất đai bỏ không, bị mưa lũ rửa trôi nên lại thêm bạc màu. Cuộc sống của trên 60% hộ dân trong bản mãi quẩn quanh với cái đói, nghèo. Trưởng bản Lầu Chứ Só dẫn chúng tôi lên thăm vườn cà phê của gia đình, vừa đi ông vừa nói: Hua Sa B có 43 hộ, với 100% dân tộc Mông sinh sống, nay chỉ còn 5 hộ cũng sắp vượt qua được ngưỡng nghèo.

Là trưởng bản và lại là đảng viên nên tôi đã trằn trọc nhiều đêm suy nghĩ, muốn thoát nghèo thì phải chuyển đổi sản xuất, tìm ra giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Tôi đi nhiều nơi trong xã, huyện và các huyện lân cận, thấy nhiều vùng cà phê cho thu nhập cao nên nghĩ có thể đây là một hướng đi mới cho bản. Nhưng lại vấp phải cái khó, là vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi thời gian cho thu hoạch của cây cà phê ít nhất là 3 năm, đầu tư vào giống và phân bón tốn kém mà nhiều hộ trong bản lại nghèo nên bà con chưa thật sự tin tưởng. 

Thế rồi, ông Trưởng bản Lầu Chứ Só đã đi đến quyết định, bàn bạc gia đình chuyển đổi 1ha trồng ngô, sắn sang trồng cà phê. Bởi trong suy nghĩ của ông, mình là cán bộ làm trước, nêu gương thì không cần vận động bà con khắc sẽ theo. Là một trong những hộ đi tiên phong trong bản trồng cây cà phê, nay đã gần 7 năm gia đình ông thuộc diện giàu có nhất trong bản và phát triển thêm được gần 2ha cà phê.

Mỗi năm thu nhập từ cà phê, chăn nuôi, làm ruộng… gia đình thu lãi trên 250 triệu đồng. Nói về quá trình chuyển đổi cây trồng của mình, ông tâm sự: Lúc đầu tôi cũng không dám trồng nhiều cà phê, vì lo thiếu lương thực cho gia đình, cây cà phê bị sương muối, lại chưa biết cách chăm sóc như thế nào. Cái khó nào thì cũng có cách để gỡ, tôi đã lên nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, đến Hội Nông dân huyện tìm hiểu các mô hình trồng cà phê đạt hiệu quả để tìm đến địa chỉ đó học tập và mượn sách khoa học – kỹ thuật về tham khảo.

Bà con thấy ông thành công bèn học tập theo. Với cách làm như vậy, giờ đây bản Hua Sa B đã có 30 hộ trồng cà phê, trên diện tích 41ha, năng suất trung bình 10 - 12 tấn/ha. Vụ cà phê vừa qua, thu nhập từ cà phê của cả bản lên tới trên 2 tỷ đồng. Đời sống nay đã ấm no, như gia đình ông Mùa Súa Gấu trước đây là một trong những hộ nghèo của bản, nhà có 7 người mà chỉ trông chờ vào mấy nương ngô, sắn. Từ khi chuyển 2ha đất sang trồng cà phê, ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Khi đồng vốn dư dả ông đầu tư thêm nuôi gà thả vườn, đàn gà nhà ông hiện có hơn 200 con, mỗi lần xuất cũng thu về cả chục triệu đồng.

Gia đình ông Vừ Gà Lếnh, trồng 3ha cà phê không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, một năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Gia đình bà Mùa Thị Cúc, nhờ vườn cà phê 1ha của gia đình, 2 đứa con bà nay đã học xong trường chuyên nghiệp, có việc làm ổn định ngay tại huyện.

Trưởng bản Lầu Chứ Só đưa chúng tôi đến thăm vườn cà phê nhà ông Vừ Gà Lếnh, khi cả gia đình ông đang tập trung tỉa cành chăm sóc cây. Ông Lếnh chia sẻ: Từ khi chuyển đổi sang trồng cà phê, bà con dân bản ai cũng phấn khởi. Cây cà phê có giá trị kinh tế cao, dù năm vừa qua bán trên thị trường giá thấp 5.000 đồng/kg nhưng gia đình ông cũng thu được lãi 150 triệu đồng.

Trồng cà phê chỉ vất vả, khó khăn trong giai đoạn kiến thiết. Trong giai đoạn ấy, gia đình đã kết hợp với nuôi ong để tận dụng nguồn hoa sẵn có. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, cây cà phê còn phủ xanh đất trống đồi trọc, không còn phải nhìn thấy cảnh từng quả đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô.

Để có được sự thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở bản Hua Sa B, còn có sự đóng góp của các cấp lãnh đạo xã, bản và trưởng bản gương mẫu đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất. Không những vậy mà khi thành công trong trồng cây cà phê, trưởng bản đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm với bà con và giúp đỡ cả về vật chất, cho hộ khó khăn vay vốn.

Ông còn mời Trung tâm Khuyến nông huyện đến bản mở lớp huấn luyện kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê và thành lập ra nhóm những người trồng cà phê có kinh nghiệm, cho năng suất cao thường xuyên trao đổi và truyền đạt cho các hộ khác trồng cà phê.


Related news

Thống Nhất Hỗ Trợ 13,21 Tỷ Đồng Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Mía Thống Nhất Hỗ Trợ 13,21 Tỷ Đồng Phát Triển Vùng Nguyên Liệu Mía

Chiều 25/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các sở ngành liên quan; UBND 6 huyện và Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi để giải quyết về việc thu mua mía chậm trễ; chặn thu tiền bán mía của dân trong vụ mía 2010-2011

Friday. June 28th, 2013
Vui Buồn Trên Cánh Đồng Nghêu Vui Buồn Trên Cánh Đồng Nghêu

Đã thành lệ, cứ đến tháng 5, tháng 6, khi vào mùa thu hoạch nghêu, hàng ngàn người dân ở các huyện Bình Đại, Thạnh Phong (Bến Tre) lại rủ nhau đi cào nghêu giống. Tuy nhiên, thay vì được hưởng niềm hạnh phúc thu lợi từ biển, năm nay, nông dân nơi đây phải mang tiếng là “nghêu tặc”.

Friday. June 28th, 2013
Nông Dân Trắng Tay Vì Tôm, Nghêu Chết Nông Dân Trắng Tay Vì Tôm, Nghêu Chết

Người nuôi tôm sú và nuôi nghêu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đang “nháo nhào” vì tôm, nghêu đồng loạt chết do dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thời tiết

Friday. June 28th, 2013