Giá / Mô hình kinh tế

Cầu kỳ nuôi gà bằng thảo dược

Cầu kỳ nuôi gà bằng thảo dược
Tác giả: Trần Phượng
Ngày đăng: 06/12/2016

Mô hình nuôi gà bằng thảo dược của Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà Ri mầu Phượng Hoàng (gà màu) tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có triển vọng nhân rộng..

Trong ảnh: Gà màu được nuôi tại gia trại ông Phạm Văn Hợi và Bùi Tuấn Anh hội viên thuộc CLB.

Hạn chế dịch bệnh

Ông Phạm Văn Hợi trú tại thôn Để Xuyên, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, hội viên CLB nuôi gà màu cho biết: Thu nhập chính của gia đình là từ nguồn chăn nuôi. Gia trại của ông luôn duy trì ở mức 800 con gà và chủ yếu là nuôi gà thịt. Từ năm 2014 trở về trước, ông Hợi cùng nhiều chủ gia trại khác vẫn nuôi theo hình thức tự phát nên có nhiều bất cập, đặc biệt đầu ra bấp bênh, thương lái ép giá.

Những loại thảo dược được sử dụng trong quá trình nuôi gà của CLB nuôi gà màu rất gần gũi với bà con nông dân, đó là: Tỏi, quả bồ kết và lá thị.

Kể từ năm 2015, Hội nông dân xã Đại Thắng đưa CLB nuôi gà màu vào hoạt động, ông cùng 8 chủ gia trại khác cùng tham gia. Hiện nay, tất cả 9 hộ gia trại đều nuôi giống gà màu được mua từ lò ấp gà Chí Linh, Sao Đỏ, Hải Dương và các hộ trong CLB đều áp dụng thảo dược trong chăn nuôi. Ưu điểm của giống gà màu là việc duy trì đầu con, khả năng sống của vật nuôi cao so với các giống gà ông Hợi đã từng nuôi trước đó. Kết hợp với ưu điểm đó là sử dụng thảo dược đúng thời điểm, đúng cách đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.

Những loại thảo dược được sử dụng trong quá trình nuôi gà của ông Hợi rất gần gũi với bà con nông dân đó là: Tỏi, quả bồ kết và lá thị. Đối với tỏi, ông giã và ngâm nước khoảng 2 tiếng, sau đó dùng loại nước này cho gà uống, giúp phòng bệnh cúm cho vật nuôi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó còn có tác dụng tẩy giun, tốt cho đường ruột của vật nuôi. Cứ duy trì 2 buổi/tuần, sức đề kháng của gà sẽ rất tốt.

Khi gà ngoài 2 tuần tuổi, ông Hợi sử dụng bồ kết để xông hơi cho gà bằng cách đốt bồ kết bằng rơm (ủ bồ kết trong lớp trấu). Bằng phương thức này, môi trường nuôi được cải thiện, không bị hôi hám và đặc biệt phòng bệnh hô hấp cho gà. Thực hiện định kỳ 2 – 3 lần/tháng trong suốt quá trình nuôi.

Còn lá thị được ví như “thần dược” trong việc trị bệnh đậu ở gà. Ông Hợi cho hay: Kể cả khi gà đã được phòng bệnh đậu nhưng do yếu tố môi trường nuôi của chuồng trại không đảm bảo hoặc số lượng nuôi dày... gà vẫn có thể mắc bệnh. Tại gia trại của ông cũng đã xảy ra trường hợp gà mắc bệnh đậu, ông dùng lá thị rải xuống nền chuồng. Để lá khoảng 2 ngày, lá khô gom lại đốt trước cửa chuồng, lấy khói hun. Trong lá thị chứa tinh dầu kị loại khuẩn của bệnh đậu ở gà. Sau bước làm này, gà hoàn toàn khỏi bệnh, mụn cũng bay, mào gà tươi trở lại, mắt không bị kèm nhèm đùn nhử. Nếu không sử dụng cách này thì phải khều mụn và bôi thuốc, với lượng gà lớn làm không nổi. Có những hộ trước đó không biết cách làm này, gà bị bệnh dẫn tới thiệt hại.

Ngoài phương pháp sử dụng những loại thảo dược nêu trên, việc dùng đèn quả nhót trong nuôi gà cũng tăng hiệu quả chăn nuôi, tiết kiệm chi phí tiền điện. Khi gà 20 ngày tuổi sử dụng loại đèn này giúp gà sinh trưởng không mổ lông, cắn đuôi lẫn nhau, hình thức gà được cải thiện. Ánh sáng của đèn mờ tạo tính chủ động cho gà trong tình huống mất điện đột ngột.

Duy trì và nhân rộng mô hình

Khi áp dụng thành công mô hình nuôi gà bằng thảo dược, ông Hợi nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác trong CLB. Với quy mô 800 con gà/lứa, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 80 triệu đồng/năm. Hộ nuôi nhiều nhất trong CLB là hộ anh Nguyễn Văn Bình, trú tại thôn Giang Khẩu với số lượng 2.000 con, lãi trên 100 triệu đồng/năm. Các hội viên CLB chăn nuôi gà màu cho biết, việc tham gia vào CLB có rất nhiều thuận lợi. Về giống gà đảm bảo rõ nguồn gốc, đầu ra của sản phẩm cũng ổn định. Doanh nghiệp cung ứng giống cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm cho các gia trại nên tâm lý của hội viên thực sự rất yên tâm.

Ông Bùi Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng cho biết: Trong năm 2017, Hội sẽ xây dựng 1 mô hình điểm với khoảng 15 hộ gia trại về “chăn nuôi gà sạch áp dụng thảo dược” nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi. Việc sử dụng vaccine, thuốc kháng sinh cũng rất cần tuy nhiên khi sử dụng phương pháp nuôi theo lời chia sẻ của ông Hợi sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Một số hộ hiện nay mong muốn mở rộng quy mô gia trại, nâng tổng số lượng con tuy nhiên gặp khó khăn về vốn. Để giải quyết khó khăn của các hội viên gặp phải, Hội đứng ra liên hệ với doanh nghiệp bán thức ăn trả chậm với hình thức lãi suất thấp nhất tạo điều kiện cho người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư. 


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ con “không kêu” Làm giàu từ con “không kêu”

Anh Nguyễn Văn Thắng đã quyết định mạo hiểm, khẳng định tài chăn nuôi của mình khi thành công với mô hình nuôi rắn hổ, rắn trâu thu về hàng trăm triệu mỗi năm

06/12/2016
Người sở hữu 170 ha đất, làm nông nghiệp sạch vẫn chưa thỏa mãn Người sở hữu 170 ha đất, làm nông nghiệp sạch vẫn chưa thỏa mãn

Không muốn đất nằm yên, không muốn những đồng tiền nghỉ ngơi, tích tụ thêm được bao nhiêu đất là anh Lường Văn Sương lại đêm ngày nghĩ cách làm mới mới…

06/12/2016
Nuôi cá kiểu Mỹ, lãi 250 triệu đồng/bể Nuôi cá kiểu Mỹ, lãi 250 triệu đồng/bể

Nuôi cá tiêu chuẩn VietGAP theo công nghệ cao của Mỹ-Thủy sản Hòa Phong do bà Vũ Thị Thắm làm giám đốc đã cho lợi nhuận cao gần gấp đôi so với nuôi truyền thống

06/12/2016