Làm giàu từ con “không kêu”
Vượt qua nỗi lo sợ về nguy hiểm, anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Lương Câu, xã Tân Viên, huyện An Lão, Hải Phòng) đã quyết định mạo hiểm và khẳng định tài chăn nuôi của mình khi đã thành công với mô hình nuôi rắn hổ mang cùng rắn ráo trâu, thu về hàng trăm triệu mỗi năm.
Trong ảnh: Anh Thắng đam mê nuôi các con đặc sản, đặc biệt là rắn. Ảnh: Ngân thủy
Tốt nghiệp THPT, anh Thắng học nghề và bươn chải nhiều nơi kiếm tiền. Sau nhiều năm, anh dành dụm được chút vốn nên quyết định về quê lập nghiệp. Anh bàn với gia đình vay vốn mở trang trại chuyên nuôi các con đặc sản như kỳ đà, trăn… Do thiếu kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật, anh thua lỗ đến 1 tỷ đồng. Nợ nần buộc anh phải lăn lộn đi làm để trả nợ và tích góp tiếp tục thực hiện ước mơ. Thời gian rảnh, anh tìm hiểu qua sách báo, tham quan các mô hình nuôi con đặc sản ở các địa phương khác để có thêm kinh nghiệm.
Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, anh quyết định chinh phục lại những con vật nuôi mà anh từng thất bại và anh tập trung vào mô hình nuôi rắn hổ mang, rắn ráo trâu, cá chạch Đài Loan. Quan điểm của anh Thắng là giống đưa về nuôi phải đảm bảo rõ nguồn gốc, có giấy tờ xác minh của các cơ quan chức năng. Anh cho biết: Chăm con gì cũng phải biết được điểm mạnh, yếu của nó để có phương pháp nuôi phù hợp. Rắn được thuần chủng nên rất lành, chỉ cần có tiếng động lập tức sẽ chui vào hang. Tuy nhiên, dù quen đến mức độ nào, người nuôi cũng phải cẩn trọng để sẵn sàng chủ động mọi tình huống, bởi nọc rắn hổ mang cực độc.
Loài rắn có khả năng chống chịu các dịch bệnh tốt, không tốn nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn của chúng là thịt gà công nghiệp. Bình thường 3 – 5 ngày rắn mới ăn một lần, mỗi lần ăn 6 – 7kg mồi/con. Chuồng trại đảm bảo được yếu tố sạch sẽ, yên tĩnh, kín gió rắn sẽ lớn rất nhanh. Khi rắn được khoảng 100g đưa ra chuồng nuôi thì tỉ lệ sống gần như là 100%. Sau 1 năm nuôi, rắn sẽ được xuất bán, trung bình từ 1 – 1,5kg/con, con nặng nhất lên tới 2kg. Bên cạnh đó, con vật nuôi này hiện có thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của các thương lái, giá bán dao động từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Hiện gia đình anh có khoảng 500 con hổ mang, 200 con rắn ráo trâu... Khoảng 3 tháng nữa, con vật nuôi này sẽ được xuất bán. Trừ các chi phí, ít nhất anh cũng thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Trung bình một con rắn khi sinh sản cho khoảng 12 – 25 trứng, giá từ 50.000 – 90.000 đồng/quả tùy loại rắn. Việc bán trứng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên năm tới, anh dự định mở rộng diện tích nuôi rắn để cung cấp trứng và giống ra thị trường. Ngoài ra, anh còn tập trung nhân rộng mô hình nuôi cá chạch, thí điểm mô hình nuôi lươn.
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Ngọc Quyết (1984) mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu "khủng" với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, diện tích khoai lang Nhật của anh Bình bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năng suất ruộng khoai được đánh giá đạt bình quân 18 tấn củ/ha
Mỗi ngày gia đình anh Phùng Văn Phương đưa ra thị trường 30kg rau mầm, thu về trên 1 triệu đồng, trừ chi phí anh bỏ túi trên 12 triệu đồng/tháng.