Câu Chuyện Quanh Cây Sắn Cần Sớm Hình Thành Quy Hoạch
Theo quy hoạch của Chính phủ thì Lào Cai được xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu sắn có quy mô khoảng 6.000 đến 6.500 ha, dù chưa có quy hoạch sản xuất của tỉnh nhưng năm 2010 trên địa bàn có đến 7.785 ha sắn, năm 2011 tăng lên 9.663 ha, đến cuối năm 2012 diện tích sắn ổn định ở mức 9.305 ha sắn và trong năm 2013 con số này được đánh giá là tương đương năm trước.
Cây sắn có ưu điểm là chu kỳ canh tác ngắn, giá trị sản phẩm đạt khá cao, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật canh tác đơn giản và ít sâu bệnh, không có mất mùa, rủi ro do thời tiết. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sắn các loại của thị trường Trung Quốc đang rất cao, giá bán có dao động nhưng không có biên độ thấp, khiến bà con yên tâm mở rộng sản xuất. Năm 2010, toàn tỉnh có 7.785 ha sắn, năm 2011 tăng lên 9.663 ha, đến cuối năm 2012 diện tích sắn ổn định ở mức 9.305 ha sắn và trong năm 2013 con số này được đánh giá là tương đương năm trước. Huyện Bảo Thắng có diện tích cây sắn lớn nhất với 3.024 ha trong năm 2012, huyện Bảo Yên có 2.650 ha, huyện Văn Bàn có 1.645 ha, tiếp đến là các huyện Bát Xát, Bắc Hà, thành phố Lào Cai; duy huyện Si Ma Cai không trồng sắn.
Hiện, cây sắn đang mang lại nguồn thu cho nông dân Lào Cai khoảng 130 đến 150 tỷ đồng mỗi năm, nhưng thực tế cây sắn không được khuyến khích phát triển, vì nhiều nguyên nhân. Hầu hết sản phẩm sắn được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, năm 2010 Lào Cai có 46,4 nghìn tấn củ sắn tươi và 36,9 nghìn tấn sắn khô xuất khẩu, năm 2011 là 126,9 nghìn tấn củ sắn tươi và 35,5 nghìn tấn sắn khô, năm 2012 xuất khẩu 166,8 nghìn tấn củ sắn tươi và 21,3 nghìn tấn sắn khô xuất khẩu. Tổng kết qua nhiều năm cho thấy thị trường nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc rất bấp bênh, khi hàng hóa có hạn thì giá ổn định, khi hàng nhiều thì giá hạ rất nhanh, điều đó dẫn đến thiệt hại cho cả người sản xuất trong nước và người tham gia kinh doanh.
Hiện, đa số diện tích cây sắn là giống mới cao sản, năng suất đạt mức trung bình tới 12 đến 15 tấn/ha, mặt trái của giống này là gây bạc màu, xói mòn đất rất nhanh, đất mới khai phá cho năng suất sắn cao, nhưng rất nhanh bạc màu. Nguy hiểm hơn, do cây sắn trên địa bàn phát triển tự phát, nên có đến 70% diện tích cây sắn hiện đang trồng trên đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp (sai mục đích sử dụng đất), thậm chí có nhiều nơi bà con nông dân phá rừng trái phép để trồng sắn.
Khảo sát ngẫu nhiên tại 6 xã thuộc 3 huyện trọng điểm trồng sắn là Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn, ngành chức năng nhận thấy có 78,4% diện tích sắn đang trồng trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp, 2.557 ha trong tổng số 3.260 ha sắn. Trong 3 năm gần đây, giá củ sắn tươi xuất khẩu liên tục trên 1 nghìn đồng/kg, nên tỷ lệ diện tích sắn trồng trên đất lâm nghiệp ngày một tăng lên.
Trồng sắn không đồng nghĩa với phá rừng, nhưng rõ ràng công tác phát triển lâm nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đó trồng sắn mang lại nguồn lợi kinh tế chỉ bằng 1 nửa so với trồng rừng. Theo tính toán của giới chuyên môn, thì 1 ha sắn cho nguồn thu khoảng 14 triệu đồng/năm, trừ chi phí đầu tư, người sản xuất có lãi ròng 7 triệu đồng. Trồng rừng có chu kỳ kéo dài 7 năm cho sản lượng khoảng 80 - 100 m3 gỗ, với giá bán trung bình 1,5 triệu đồng/m3 gỗ, mỗi năm rừng cây mang lợi nhuận cho người sản xuất 14 triệu đồng.
Để kiểm soát tốt hơn việc phát triển cây sắn, ngành chuyên mônđã đề xuất giải pháp thuyết phục là sớm xây dựng vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh, không để cây sắn tự phát “tấn công” rừng và lấn chiếm đất rừng. Với đặc thù của cây sắn, Nhà nước cần thiết lập hàng rào kỹ thuật thông qua việc nâng mức thuế xuất khẩu với các sản phẩm từ sắn (hiện mức thuế xuất khẩu sắn bằng 0%) nhằm ổn định thị trường, hoạt động sản xuất, chế biến công nghiệp trong nước và hạn chế mở rộng diện tích sắn tự phát. Đồng thời với đó là việc nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành liên quan quản lý sản xuất nông nghiệp, quản lý đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp và nêu cao vấn đề tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về những mối họa khi mở rộng trồng sắn.
Related news
Nhằm khai thác triệt để, tiềm năng lợi thế về các điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, từ năm 2006, huyện Hạ Lang tiến hành ký kết hợp đồng với huyện Long Châu (Trung Quốc) phát triển trồng mía nguyên liệu xuất khẩu với quy mô đến năm 2015 trồng 1.200 ha.
Trong những ngày lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn giáo viên và học sinh các dân tộc huyện Bảo Lâm đã được đón Tết Nhâm Thìn vừa qua trong những căn phòng kỹ túc xá khang trang, sạch đẹp, ấm cúng.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành một số mô hình kinh tế trang trại (KTTT), góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần đưa sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, tạo giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Song, phát triển KTTT đang bộc lộ những khó khăn, bất cập, cần có cơ chế chính sách phù hợp...