Cao Bằng: Xây Dựng Nhiều Mô Hình Sản Xuất Hàng Hóa
Nhờ làm tốt các phong trào, thúc đẩy phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, Hội Làm vườn Cao Bằng đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Không những vậy, Hội còn tập trung chú trọng xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa, cho thu nhập cao làm điểm học tập cho hội viên.
Coi trọng công tác dịch vụ
Vừa dẫn tôi đi thăm mô hình trồng quýt của gia đình ông Nguyễn Văn Tập ở xã Đức Công (huyện Thạch An), ông Lò Văn Rực, Phó chủ tịch HLV Cao Bằng vừa kể: "Thay đổi tập quán canh tác của đồng bào vùng cao là một điều vô cùng khó khăn. Vì thế, không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm thí điểm, xây dựng những mô hình thiết thực mới mong thu hút hội viên tham gia các phong trào của Hội". Ông Rực cho biết, mô hình trồng quýt của ông Tập cũng được khởi nguồn từ phong trào vận động bà con làm VAC của Hội. Theo đó, Hội đã mở các lớp tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đồng thời cung cấp cây, con giống cho hội viên. Nhờ ứng dụng hiệu quả kiến thức kỹ thuật do cán bộ Hội tư vấn, mỗi năm 2ha quýt đã mang lại cho ông Tập nguồn thu 200 triệu đồng. "Hội đã mang đến cho chúng tôi chiếc cần câu có ý nghĩa. Bản thân tôi cũng nhiều lần được tham gia các hoạt động tuyên truyền của Hội; tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên; hỗ trợ xây dựng mô hình và thực hiện dự án; tổ chức tham quan mô hình, trang trại sản xuất hiệu quả. Bằng cách này, nhiều hội viên, bà con vùng cao thấy hiệu quả và làm theo...", ông Tập cho biết.
HLV Cao Bằng hiện có 364 chi Hội với 6.500 hội viên. Theo ông Rực, dịch vụ kỹ thuật VAC là một trong những thế mạnh của Hội. Năm 2010, tỉnh Hội đã cung ứng hơn 2.000 cây ăn quả, chủ yếu là các giống cam quýt, lê, hồng không hạt, xoài, chanh, na...; 12.000 cây lâm nghiệp như sưa, keo, sa mộc, lát; 500 ống thuốc chiết cành, thuốc khử chát hồng, 110 chiếc kéo cắt cành và một số dao ghép. Ngoài ra, Hội cũng đã xây dựng được 6 vườn ươm vệ tinh để cung cấp giống cây thường xuyên cho hội viên và nông dân. Hội còn liên hệ với các trung tâm giống cây trồng trong và ngoài tỉnh để tìm các giống cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của hội viên. "Hội đã xây dựng được vườn ươm trung tâm gần 1.000m2 để lưu giữ quỹ gen các loại cây ăn quả quý và cây cảnh. Công tác dịch vụ đã giúp phong trào VAC trong tỉnh phát triển, hội viên, nông dân có nhiều diện tích cây trồng năng suất, chất lượng cao", ông Rực nói.
Thành lập CLB chuyên ngành
Tính đến nay, HLV Cao Bằng đã vận động thành lập được nhiều CLB trang trại chuyên ngành như CLB trang trại Bạch Đằng (Hòa An), CLB nuôi ong mật xã Đề Thám, CLB sinh vật cảnh thị xã Cao Bằng, CLB nuôi dê huyện Hạ Lang, CLB nuôi dế, CLB nuôi nhím huyện Trà Lĩnh... Theo ông Rực, việc làm này đã góp phần cổ vũ, động viên hội viên tham gia các phong trào của Hội, là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hội đã cấp giấy chứng nhận cho nhiều trang trại. Ngoài 945 trang trại nhỏ và vừa có thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/năm, thì đa số trang trại phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp.
Từ các phong trào của Hội, hội viên, nông dân đã tích cực khai thác đồi núi trọc, đất hoang hóa ven sông để làm VAC. Chỉ tính riêng năm 2010, số diện tích vườn tạp được cải tạo là 20ha, diện tích ao được cải tạo là 15ha, tập trung ở Hòa An, Quảng Uyên, Hạ Lang, Bảo Lâm, Nguyên Bình, thị xã Cao Bằng...
Theo ông Rực, trong thời gian tới, Hội tiếp tục chú trọng phát triển những CLB chuyên ngành, CLB chủ trang trại để sản xuất hàng hóa tập trung. Ngoài ra, Hội còn tăng cường tu bổ, cải tạo các mô hình đã đạt hiệu quả kinh tế cao, đưa thêm giống mới vào thử nghiệm. "Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là tiếp tục sản xuất số lượng giống lê đã ký hợp đồng với HLV Việt Nam để phục vụ đề tài: "Nghiên cứu phát triển sản xuất lê nhằm nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc tỉnh Cao Bằng"; triển khai trồng lê tại huyện Nguyên Bình. Chỉ khi tận mắt thấy kết quả của mô hình, hội viên, nông dân mới làm theo", ông Rực nói.
Chia tay người làm vườn Cao Bằng, tận mắt thấy nhiều khoảng đồi còn hoang hóa, chúng tôi hiểu rằng, trọng trách của những cán bộ Hội nơi đây còn rất nặng nề
Related news
Trước tình hình dịch lợn tai xanh diễn biến phức tạp tại các tỉnh ĐBSH, chiều hôm qua, ngày 29/5,Bộ NN & PTNT tổ chức kiểm tra dịch bệnh tại Bắc Ninh do thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần trực tiếp chỉ đạo đoàn công tác .
Các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa ĐX, năng suất bình quân từ 6,5-7,5 tấn/ha, cao hơn so với vụ ĐX năm rồi khoảng 1 tấn/ha. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến thời điểm hiện nay diện tích thu hoạch toàn vùng ĐBSCL đạt hơn 800.000 ha/1,6 triệu ha xuống giống. Hiện thương lái chỉ săn lùng mua lúa thơm, lắc đầu với lúa chất lượng thấp...
Hai ngày qua, hàng loạt bè cá nuôi trên sông Rạng (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) bị chết trắng. Hàng trăm hộ nuôi bị thiệt hại tiền tỉ, thậm chí có vài hộ thiệt hại lên đến 10 tỉ đồng, phải đối diện với nợ nần và nguy cơ phá sản.