Prices / Tin nông nghiệp

Cánh đồng lớn ca cao thu hút nông dân đăng ký tham gia

Cánh đồng lớn ca cao thu hút nông dân đăng ký tham gia
Author: Minh Sáng
Publish date: Wednesday. May 10th, 2017

Cây ca cao lần đầu tiên được du nhập vào mảnh đất hình chữ S từ khoảng giữa thế kỷ XX, nhưng bấy giờ ca cao chưa được coi là loại cây hàng hóa và không có nhiều cơ hội phát triển...

Các DN liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng cánh đồng lớn ca cao

Lợi ích kép

Tuy nhiên, sau khi được một số DN mạnh dạn đứng ra đầu tư hỗ trợ sản xuất thì nông dân các tỉnh bắt đầu tham gia mô hình và hình thành các các câu lạc bộ, hợp tác xã SX ca cao. Đặc biệt, những năm gần đây ca cao cho hiệu quả kinh tế cao người nông dân hào hứng đầu tư thâm canh, nhiều địa phương đang hình thành cánh đồng lớn ca cao giống như lúa gạo.

Ông Lưu Quang Dự, nông dân đi đầu trồng xen ca cao trong vườn điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai hào hứng: “Trồng xen ca cao trong vườn điều cho lợi nhuận tăng rất nhiều so với chuyên canh cây điều. Gia đình tôi cũng đã trồng thử nghiệm vài sào, rất mừng vì cây ca cao đang phát triển tốt dù chưa phải đầu tư nhiều phân bón, nước tưới. Khi địa phương triển khai dự án cánh đồng lớn trồng xen cây ca cao trong vườn điều, tôi rất tự tin tham gia”.

Theo ông Nguyễn Thanh Lập, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX ca cao Trung Hòa, huyện Trảng Bom, trồng ca cao xen canh trong vườn điều chỉ sau 5 năm, mỗi ha ca cao sẽ cho thu hoạch ít nhất 10 tấn trái tươi/năm. Với giá bán 6.300 đồng/kg như hiện nay, nông dân đã thu về 63 triệu đồng. Nhưng đa số các tổ viên trong THT đều đạt năng suất từ 20 tấn/ha trở lên. Tổ hợp tác của chúng tôi hiện có 39ha ca cao xen điều đang cho thu hoạch. Năm nay, dù mất mùa điều nhưng các tổ viên vẫn an tâm vì cây ca cao cho lợi nhuận cao".

Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTXNN An Viễn, đơn vị chịu trách nhiệm SX cánh đồng lớn ca cao xen điều cho rằng, nông dân an tâm nhất khi trồng ca cao xen điều là đầu ra cho sản phẩm vì hiện hạt điều vẫn chủ yếu tiêu thụ qua thương lái nên rất bấp bênh. Còn cây ca cao nằm trong chuỗi liên kết của dự án cánh đồng lớn nên được các công ty cam kết bao tiêu đầu ra. “Khi nhiều loại nông sản liên tục rớt giá như vừa qua thì việc tham gia mô hình ca cao đã biết được nơi bán, giá bán ngay lúc mới trồng khiến bà con rất an tâm!”, ông Giang chia sẻ.

Các HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất ca cao

Không chỉ ở Trảng Bom, nông dân ở nhiều địa phương khác cũng đã thành công trồng xen cây ca cao trong vườn điều. Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc HTX Ca cao Thống Nhất cho hay: “Mặc dù năm nay mất mùa điều nhưng các xã viên vẫn đạt lợi nhuận hàng chục triệu đồng nhờ trồng xen ca cao. Chính vì lợi nhuận của mô hình trồng ca cao xen canh khiến bà con đang rất hào hứng tiếp tục đăng ký tham gia cánh đồng lớn và đầu tư thâm canh”.

“Đây là mô hình xen canh rất lợi thế cho nông dân trồng điều trước tình trạng thời tiết thất thường như hiện nay. Tính ra, sau khi trừ hết chi phí, nông dân vẫn còn lời khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Nếu cộng thêm cả tiền thu hoạch điều thì doanh thu mỗi ha có thể lên đến 150 triệu đồng/năm”, ông Phước khẳng định.

Cũng theo ông Phước, đến nay chỉ riêng HTX đã phát triển được khoảng 70ha ca cao xen canh điều, trong đó 50ha đang cho thu hoạch. HTX đã đăng ký tham gia dự án cánh đồng lớn ca cao, nông dân được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, dự kiến trong năm nay (2017) sẽ phát triển lên 100ha ca cao. Đầu ra của sản phẩm cũng được đảm bảo vì DN đã ký kết hợp đồng bao tiêu với giá 6.300 đồng/kg.  

Làm ăn lớn

Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 100ha ca cao trồng xen điều và đến nay đang triển khai dự án cánh đồng lớn ca cao với quy mô cả ngàn ha tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất. Dự án thu hút khá đông nông dân đăng ký tham gia vì không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mà DN cũng đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho nông dân. 

Đi đầu trong việc thực hiện liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao là Cty TNHH Ca cao Trọng Đức. Đây cũng mục tiêu lớn nhất trong việc liên kết của Cty nhằm phát triển vùng nguyên liệu ổn định chất lượng cao phục vụ cho chiến lược xuất khẩu bền vững.

Ngay từ năm 2011, Cty Ca cao Trọng Đức đã liên kết nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đầu tư phát triển vùng chuyên canh ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (chứng nhận SX tốt của quốc tế). Đến năm 2014, Cty là một trong những DN đầu tiên được tỉnh Đồng Nai phê duyệt thực hiện xây dựng cánh đồng lớn ca cao.

Nông dân phấn khởi khi cây ca cao cho hiệu quả cao

Ông Đặng Tường Khanh, GĐ Cty Ca cao Trọng Đức cho biết, sau mấy năm triển khai xây dựng cách đồng lớn, Cty đã phát triển được 400ha ca cao. Đặc biệt, từ cuối năm 2015 Cty cũng đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu trái ca cao tươi cho 235 hộ dân (với diện tích 315ha) thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng. Theo hợp đồng, mức giá sàn thấp nhất được Cty bao tiêu là 6.300 đồng/kg ca cao tươi có chứng nhận UTZ và 5.700 đồng/kg với ca cao thường, trong trường hợp giá thị trường cao hơn mức giá bao tiêu, Cty sẽ tăng giá thu mua.

“Không chỉ xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho việc chế biến ra các sản phẩm từ ca cao có chất lượng tốt, hiện mỗi tháng Cty chúng tôi xuất khẩu 300kg chocolate vào thị trường Nhật và 10 tấn ca cao mass vào thị trường Hàn Quốc”, ông Khanh nói.

Tương tự, Cty TNHH Nguyên Lộc ADICO (xã Hàng Gòn, TX Long Khánh) cũng đang xây dựng dự án cánh đồng lớn ca cao trên diện tích 200ha. Mới đây một DN tại TP Hồ Chí Minh cũng đã đặt vấn đề liên kết với nông dân huyện Trảng Bom làm 1.000ha ca cao trồng xen canh điều tại các xã An Viễn, Đông Hòa và Sông Trầu.

“Cây ca cao Việt Nam đang có nhiều chương trình hỗ trợ của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cũng như tập đoàn SX chocolate trên thế giới về tài chính, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm biến Việt Nam đang trở thành một thủ phủ về cây ca cao của châu Á”, ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.


Related news

Nuôi bò vỗ béo thoát cảnh ly hương Nuôi bò vỗ béo thoát cảnh ly hương

Gia đình ông Nguyễn Văn Lem ở ấp Chót Dung, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) thoát khỏi cảnh ly nông, ly hương nhờ nuôi vỗ béo bò.

Wednesday. May 10th, 2017
Phát triển nông sản theo chuỗi gắn với nhãn hiệu hàng hóa Phát triển nông sản theo chuỗi gắn với nhãn hiệu hàng hóa

Tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2016 trên 12.000 tỷ đồng, Quảng Nam là địa phương đạt thành tựu khá nổi bật trong xây dựng thương hiệu nông sản

Wednesday. May 10th, 2017
Chuyển giao bò cái lai Sind Chuyển giao bò cái lai Sind

Hoạt động trên nằm trong dự án “Hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ”.

Wednesday. May 10th, 2017