Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch
Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đã tái phát trên đàn gia cầm và lây lan nhanh, ở một số tỉnh thành trong nước.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.
Tại Bến Tre, tính đến thời điểm này gần 3 năm liên tục không phát sinh ổ dịch cúm gia cầm, đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên, hiện nay, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số tỉnh trong khu vực, đặc biệt Tiền Giang trong khoảng thời gian ngắn đã xảy ra 2 đợt dịch vào tháng 4 và tháng 7 trên đàn chim trĩ và chim cút. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết thay đổi bất thường, mật độ chăn nuôi cao, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, các ổ dịch cũ đang là nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm đang đe dọa, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần quan tâm hơn đến công tác phòng chống dịch bệnh, như:
- Nhập mới đàn phải có nguồn gốc rõ ràng, nên chọn con giống từ những cơ sở chăn nuôi an toàn, sạch bệnh và tốt nhất chọn từ đàn bố mẹ có tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, niu-cat-xơn, gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả vịt;…
- Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm như: chăn nuôi gia cầm với mật độ nuôi phù hợp, nuôi riêng biệt theo từng lứa tuổi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường; đồng thời, cung cấp đủ nước sạch và thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng.
- Chủ nuôi khi phát hiện có gia cầm mắc bệnh, chết bất thường không rõ nguyên nhân, phải báo ngay với nhân viên thú y xã hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời, nhanh chóng dập tắt dịch tránh lây lan diện rộng. Tuyệt đối không bán chạy gia cầm mắc bệnh, không vứt xác gia cầm bệnh, chết xuống kênh rạch, ao hồ làm ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh.
- Để phòng lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người, khi tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bệnh, người tiếp xúc phải sử dụng bảo hộ lao động, tối thiểu phải đeo khẩu trang, găng tay. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm bệnh, chết làm thực phẩm, không ăn tiết canh gia cầm.
Related news
Sau 4 năm bắt tay xây dựng mô hình nuôi cá sấu, “lão nông” Đỗ Việt Tiến mang trong mình dòng máu người lính đã trở thành tỷ phú và từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, trở thành gương điển trong phát triển mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC) của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiệp hội Cao su VN vừa cho biết, giá cao su XK hiện đang ở mức cao đạt 3.700– 3.750 USD/tấn, tăng khoảng 500 USD so với đầu tháng 1/2012.
Cây lựu được trồng ở nhiều nước châu Á và châu Âu làm cây ăn quả, cây cảnh, cây thuốc. Theo Đông y, các bộ phận trên cây lựu như vỏ cây, hoa, quả..đều có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả.