Prices / Mô hình kinh tế

Cần Tuân Thủ Chặt Chẽ Quy Trình Nuôi Tôm Để Phòng Dịch Bệnh

Cần Tuân Thủ Chặt Chẽ Quy Trình Nuôi Tôm Để Phòng Dịch Bệnh
Author: 
Publish date: Saturday. June 8th, 2013

Thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi ở tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người nuôi tôm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, một số vấn đề về phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

* Xin ông cho biết tình hình nuôi tôm ở tỉnh Bình Định hiện nay?

- Diện tích mặt nước đưa vào nuôi tôm năm 2013 của tỉnh hơn 2.000 ha. Đến nay, người nuôi tôm ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm, trong đó có gần 572 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 1.344 ha mặt nước nuôi tôm sú, theo các phương pháp thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến.

Năm nay, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nên thả tôm nuôi từ 1 - 2 vụ/năm, nhưng thực tế có khoảng 70% diện tích được người dân thả nuôi từ 2 vụ trở lên, 30% diện tích nuôi tôm 1 vụ/năm. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh tôm nuôi năm nay đến sớm hơn các năm trước và diễn biến khá phức tạp. Hội chứng tôm chết sớm cũng đã xuất hiện ở nhiều nơi, gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Đến nay, tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn có 31,5 ha tôm nuôi bị dịch bệnh thân đỏ đốm trắng và dịch bệnh do môi trường, gây thiệt hại đáng kể.

* Thời gian gần đây, ở nhiều vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm, khiến nông dân rất lo lắng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hội chứng này?

- Hội chứng tôm chết sớm - Early Mortality Syndrome (EMS) là một dạng bệnh mới của tôm, đã và đang xảy ra ở nhiều nước, trong đó có nước ta. Loại bệnh này thường xuất hiện trong vòng từ 20 - 30 ngày sau khi tôm thả nuôi. Tôm bị “dính” bệnh có triệu chứng lờ đờ, vỏ mềm sậm lại và đầu ngực bị đốm vằn. Các tác động sinh lý học của bệnh EMS xuất hiện giới hạn ở gan, tụy của tôm. Ở giai đoạn cuối của bệnh gây chết cao, sự nhiễm khuẩn phát sinh tiếp tục gây tổn thương gan, tụy. Tỉ lệ tôm chết có thể lên đến 100% ở các ao nuôi bị nhiễm bệnh nặng. Hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý hội chứng tôm chết sớm.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh tôm đến sớm và diễn biến phức tạp như hiện nay?

- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi, xem đây là biện pháp quan trọng để mang lại những vụ nuôi tôm thắng lợi. Qua mỗi mùa vụ nuôi tôm, ngành đã tổ chức sơ kết, đánh giá các nguyên nhân tồn tại trong việc chỉ đạo công tác nuôi tôm và đề ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi có hiệu quả. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh còn thấp kém, nhiều nơi sử dụng chung kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Mặt khác, năm qua ít xảy ra mưa lũ lớn nên các loại vi rút có hại tồn tại trong môi trường nước đã gặp điều kiện thuận lợi để phát sinh, phát triển.

Một vấn đề nữa đáng lưu ý là nhiều người nuôi tôm trong tỉnh vẫn chưa thật sự ý thức cao trong việc tuân thủ, chấp hành nghiêm lịch thời vụ nuôi tôm; công tác cải tạo ao hồ trước khi thả nuôi chưa được chú trọng đúng mức, thiếu quan tâm đến việc kiểm soát tôm giống trước khi thả tôm; mật độ thả giống quá dày, cho tôm ăn thức ăn quá nhiều, làm cho môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh tôm nuôi.

Khi phát hiện tôm bị chết, nhiều hộ không báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng biết để được hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân và cùng xử lý dịch bệnh mà tự ý tháo nước từ ao nuôi ra môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi khi mầm bệnh phát tán nhiều ra môi trường, việc phòng, chống dịch bệnh đã khó lại càng khó hơn.

* Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh tôm gây ra, Chi cục có khuyến cáo gì với người nuôi tôm, thưa ông?

- Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất dịch bệnh tôm nuôi, Chi cục khuyến cáo bà con nuôi tôm nên cải tạo ao nuôi chu đáo, đúng quy trình; thả tôm nuôi với mật độ từ 80-120 con/m2 đối với nuôi tôm trên cát, vùng đầm, đìa thả tôm nuôi với mật độ từ 60-80 con/m2 là phù hợp. Trước khi thả tôm nuôi phải theo dõi quan trắc môi trường đã được Chi cục thông báo để biết được thời điểm nào lấy nước vào để thả tôm nuôi là thích hợp nhất.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao nuôi, để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời. Bà con nuôi tôm nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn, nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Đồng thời, cho tôm nuôi ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.

Người nuôi tôm cũng cần thường xuyên kiểm tra sự xuất hiện của các đối tượng như cua, còng trong khu vực ao nuôi, nếu phát hiện thì phải loại bỏ ngay bằng cách thu gom lại và xử lý ở vị trí cách xa ao nuôi, ao lắng và kênh cấp nước. Bên cạnh đó, cần xua đuổi, canh giữ chim, cò ăn tôm; thường xuyên liên lạc và nắm bắt các thông tin diễn biến về dịch bệnh; quan trắc cảnh báo môi trường trong khu vực để có biện pháp phòng ngừa thích hợp như thay nước, tăng tần suất kiểm tra tôm nuôi.

Bà con nuôi tôm tuyệt đối không lấy nước không đảm bảo các yếu tố về môi trường, nguồn nước bị nhiễm dịch bệnh vào ao nuôi tôm. Những ao nuôi khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường như tôm ăn nhiều hơn một cách bất thường hoặc giảm ăn, có đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, đen mang, bơi lờ đờ, không định hướng… cần báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời. Thời tiết nắng nóng kéo dài ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư chăm sóc tôm nuôi, bởi vậy người nuôi tôm cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sinh trưởng của tôm nuôi để chăm sóc chu đáo hơn.


Related news

Muốn Bắt Tay Cùng Nông Dân Làm Ăn Lớn Muốn Bắt Tay Cùng Nông Dân Làm Ăn Lớn

Coi kinh doanh thực phẩm là cái nghiệp, ông Phí Ngọc Chung- Tổng Giám đốc Trung Thành Group (Hà Nội) đã thổ lộ mong muốn được cùng với nông dân sản xuất thực phẩm quy mô lớn.

Saturday. June 8th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Nhím Sinh Sản Ở Thái Bình

Nhím là loài gặm nhấm rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kháng bệnh tốt, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Thấy được nguồn lợi đó, những năm gần đây, một số hộ gia đình của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển sang nuôi nhím.

Saturday. June 8th, 2013
6 Tháng Đầu Năm Khai Thác Gần 34.307 Tấn Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Khai Thác Gần 34.307 Tấn Thủy Sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của bà con ngư dân trong tỉnh đạt khoảng 34.307 tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm. Ngư dân ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh đều “trúng” mùa với sản lượng khá.

Saturday. June 8th, 2013