Cẩn Trọng Nuôi Ba Ba Ở Miền Bắc
Đó là khuyến cáo mới nhất của các nhà khoa học trước thực trạng, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Bắc đang có xu hướng mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba.
Theo các nhà khoa học, vào mùa lạnh, nhất là các thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay, ba ba chủ yếu chui xuống bùn “ngủ đông”, không ăn, chậm lớn, dễ mắc bệnh.
Nuôi ba ba chỉ có lỗ
Những ngày thời tiết lạnh giá như hiện nay, ông Trần Văn Việt - chủ một trang trại tổng hợp ở thôn Đào, xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định vẫn ném mồi ra ao ba ba, nhưng cả tuần nay vẫn không thấy ba ba nổi lên ăn. "Cấp mồi cho ba ba cho có vậy thôi, họa hoằn lắm, hôm nào trời hửng nắng mới có con lên ăn. Còn lạnh như thế này, có mò cả ngày cũng không bắt được ba ba" - ông Việt nói.
Ông Việt cho biết thêm, qua gần 10 năm nuôi ba ba, việc ba ba "ngủ đông" không phải là hiện tượng bất thường mà năm nào cũng diễn ra. Hơn nữa, theo ông Việt, vào khoảng tháng 2 - 3 âm lịch, khi ba ba phối giống, con cái thường bị con đực cào, tạo ra nhiều vết xước. Thời điểm này, khí hậu ở miền Bắc lạnh, ẩm ướt, nên ba ba dễ bị lở loét, ghẻ kẽ chân, mai khiến ba ba hao hụt rất nhiều. Có lứa ông Việt thả 1.000 con giống, nhưng khi thu hoạch, chỉ bắt được 600 con thành phẩm, tức thất thoát tới 40%. Ông Việt chia sẻ: "Nhiều người đề nghị mua giống ba ba để nuôi nhưng tôi không bán. Tôi thành thực khuyên bà con không nên nuôi ba ba thương phẩm ở miền Bắc".
Ông Lê Văn Chung ở xã Tiêu Động (Bình Lục, Hà Nam) chuyên nuôi ba ba bán thịt. Có thời điểm, ông Chung nuôi tới 4.000 con/lứa. Với 8 năm nuôi ba ba, ông Chung cho biết, năm lãi nhất cũng chỉ được 50 - 60 triệu đồng, còn vài năm gần đây toàn hòa với lỗ. Khi hỏi về nguyên nhân thua lỗ, ông Chung nói thật: "Ba ba nuôi lớn rất chậm, một năm chỉ đạt 0,8 - 1kg/con. Nuôi năm rưỡi đến hai năm may ra mới đạt 1,6 - 1,8kg/con".
Nên nuôi quy mô nhỏ
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc, phụ trách mảng thủy sản của Trung tâm Khuyến nông quốc gia xác nhận: Khí hậu miền Bắc có nhiều tháng lạnh nên không thuận lợi cho việc nuôi ba ba. "Tính về tăng trưởng khối lượng, ba ba nuôi ở miền Bắc chỉ đạt khoảng 50% so với phía Nam" - ông Tiêu nói.
Hộ bán giống mới có lời
Một số cán bộ khuyến nông ở Nam Định, Hà Nam được hỏi cho biết, những hộ nuôi ba ba phát đạt ở miền Bắc chủ yếu là bán giống; chứ hộ nuôi ba ba thương phẩm thực sự hầu như không có lãi. Nhiều gia đình, thậm chí là công ty nuôi ba ba thịt thua lỗ nặng, phá sản.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Quốc gia Thủy sản nước ngọt thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I lại cho rằng, sự chênh lệch về giá đó khó "thắng" được trong điều kiện giao thương rộng rãi như hiện nay. Ông Bình cũng khuyến cáo, việc chống lạnh cho ba ba có thể triển khai bằng các biện pháp như nuôi thêm bèo trong ao để cản gió, xây tường che chắn.
Tuy nhiên, hiện chưa có biện pháp nào vừa hiệu quả vừa kinh tế để chống lạnh triệt để cho ba ba. "Bà con hết sức cân nhắc khi nuôi ba ba ở miền Bắc. Nếu có nuôi, nên nuôi ở quy mô nhỏ, xen canh với các loại thủy sản khác, không nên nuôi theo quy mô lớn" - ông Bình khuyên.
Related news
Hơn 2 năm nay, hàng chục hộ chăn nuôi heo ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lỗ lớn vì mua heo giống kém chất lượng từ một cơ sở cung cấp và nguy cơ gây dịch bệnh cho đàn heo trong vùng.
Hiện nay, người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An đang bước vào vụ 2 khoảng 1 tháng. Trong vụ 1, ở các huyện vùng Hạ, dịch bệnh trên tôm xảy ra nghiêm trọng, trong đó chủ yếu là bệnh do sốc môi trường và bệnh đốm trắng
Nhờ phát triển nghề câu cá ngừ đại dương đạt hiệu quả mà hiện nay, hàng trăm hộ ngư dân ở Phú Yên đã nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống và một số đã thực sự giàu lên.