Cần Quản Lý Cá Ngừ Đại Dương Theo Chuỗi Giá Trị
Cá ngừ đại dương là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Những năm qua, nghề câu cá ngừ phát triển đã tạo cho hàng chục ngàn người dân biển 3 tỉnh miền Trung có nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống hàng ngày.
Có nhiều hộ câu cá ngừ đại dương đã giàu lên trông thấy, sắm thêm được từ một đến hai tàu công suất lớn hơn để vươn khơi khai thác. Tuy nhiên, quá trình khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương những năm qua cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Năm 2013, trong lúc đang chính vụ nhưng nhiều tàu phải nằm bờ, ngư dân phải bỏ biển tìm đến công việc khác để mưu sinh.
Để xảy ra tình trạng này là do giá thu mua cá giảm mạnh so với năm trước, trong khi chi phí chuyến biển tăng cao. Ngoài ra, việc tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá vẫn thường xuyên diễn ra, nhưng không có cơ quan nào đứng ra để giải quyết cho ngư dân. Bên bán cũng kêu thiệt, bên mua cũng kêu thiệt, còn thực sự bên nào có lợi thì chẳng ai xác định được.
Cũng thời điểm này năm trước, ngư dân Phú Yên làm nghề câu vàng truyền thống vừa câu được sản lượng lớn, vừa bán được giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg đối với cá ngừ đại dương loại 1. Nhưng năm nay, cùng thời gian chuyến biển, nhưng sản lượng cá ngừ câu được thấp hơn năm ngoái, giá bán chỉ còn từ 120.000 đến 130.000đồng/kg đối với cá loại 1, ngư dân làm nghề câu vàng truyền thống chỉ huề vốn hoặc bị lỗ.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, thiết nghĩ Nhà nước cần thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị, tạo sự thống nhất trong các khâu liên quan đến cá ngừ đại dương. Muốn thực hiện được việc này cần phải xác định được chi phí hợp lý ở các khâu khai thác, thu mua, sơ chế bảo quản, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương đối với từng thị trường và cấp loại sản phẩm.
Trên cơ sở giá đầu ra của sản phẩm để xác định giá đầu vào hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa các khâu từ xuất khẩu, chế biến, thu mua, khai thác cá ngừ đại dương. Đồng thời, tỉnh cần phải có cơ quan giám sát việc này và có chế tài quy định xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình không thực hiện quy định quản lý sản xuất, kinh doanh cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị.
Thường xuyên công bố công khai giá xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp trong nước để các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và người dân có cơ sở xác định giá thu mua cá ngừ đại dương tại cảng ở mức độ nào là phù hợp với chuỗi giá trị cá ngừ. Trên cơ sở đó tạo sự hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên liên quan và cùng nhau tạo sự phát triển bền vững nghề khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, từ tháng 4/2013 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 117/973 tàu trên 90CV tham gia đánh bắt hải sản xa bờ (TP Tuy Hòa 92 tàu, huyện Tuy An 13 tàu, huyện Đông Hòa 12 tàu); các tàu còn lại phải nằm bờ. Nguyên nhân là do giá cá ngừ thấp, chi phí chuyến biển cao; cá ngừ xuất khẩu gặp phải rào cản về kỹ thuật; nhiều ngư dân sử dụng đèn cao áp khai thác cá ngừ, làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị sản phẩm. Theo ông Tâm, từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh chỉ đạt 36.000 tấn, giảm 2,7%; trong đó cá ngừ đại dương 4.115 tấn, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2012. (Phương Nam)
Related news
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện sản lượng cá tra tồn đọng trong dân còn khoảng 200.000 tấn, chiếm 17% so với 1,2 triệu tấn trong kế hoạch sản xuất năm 2012.
Bà Trần Thị Khâm (Hai Khâm), chủ nhân của một trong những cơ sở sản xuất tôm khô ở xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết giá tôm khô đặc sản loại 1 của địa phương này hiện khoảng 1 triệu đồng/kg, loại 2, loại 3 tương ứng khoảng 800.000 đồng và 700.000 đồng/kg, bình quân tăng 30% so năm ngoái và gấp đôi so với ba năm trước.
Đó là khoản thu nhập “chắc như bắp” của xã viên HTXNN 1 Nhơn Phú, TP Quy Nhơn (Bình Định). Nhờ trồng rau má, gần 4.000 nhân khẩu đã có thu nhập ổn định.