Cần Lập Khu Công Nghiệp Chuyên Nuôi Tôm
Xuất khẩu tôm năm 2012 đạt 2,25 tỷ USD, không đạt mục tiêu như đề ra (2,4 tỷ USD) trong khi được kỳ vọng cao hơn. Doanh nghiệp chế biến lao đao và đang “sống” nhờ vào nguồn tôm mua từ nước ngoài. Người nuôi tôm thì đang khốn khó, dịch bệnh tôm tiếp tục hoành hành báo hiệu mùa vụ mới nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Lĩnh, giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, thời lợi dụng môi trường, thiên nhiên để nuôi tôm làm giàu đã chấm dứt. Hàng loạt những khó khăn vừa qua cho thấy, nuôi tôm cần tổ chức lại và quản lý vĩ mô. Việt Nam có nhiều lợi thế để nuôi thủy sản, trong đó có nuôi tôm, tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam mất dần lợi thế. Đã đến lúc Nhà nước đứng ra tổ chức lại ngành nuôi tôm, có thể lập khu công nghiệp chuyên nuôi tôm (thay vì lấp quá nhiều khu công nghiệp bỏ trống như hiện nay) rồi ưu đãi nông dân, doanh nghiệp cùng tham gia. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới phát triển bền vững nếu không hết gặp bệnh này sẽ tới bệnh khác… người nuôi khổ triền miên.
Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm bức xúc, hiện nhiều doanh nghiệp chế biến phải sống nhờ vào nguyên liệu nước ngoài. Giá tôm Việt Nam hiện cao hơn Ấn Độ, Ecuador 2 - 3 USD/kg khiến giá thành sản xuất rất cao, buộc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu sản xuất bù lỗ cho lô hàng mua tôm trong nước và duy trì nhà máy. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam là Công ty tập đoàn Minh Phú cũng “sống nhờ nguyên liệu nước ngoài”. Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc công ty cho biết, hiện nay nguyên liệu tôm trong nước đang cao hơn ở Thái Lan 10%, cao hơn Ấn Độ, Ecuador 20 - 30%...
Phải lấy phần nguyên liệu nhập khẩu từ Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… bù lỗ cho nguyên liệu mua trong nước, nếu chỉ sử dụng nguyên liệu trong nước thì không thể có lợi nhuận. Theo ông Quang, hiện ngành tôm ViệtNam cạnh tranh rất yếu so với các nước vì nhà máy không thể bán dưới giá thành, chỉ trông chờ nguồn nhập khẩu, nếu nguồn này khó khăn thì hàng loạt nhà máy sẽ đóng cửa. Không riêng Minh Phú, các doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành đều tìm nguồn nguyên liệu rẻ từ nước ngoài để giữ khách hàng trước áp lực cạnh tranh.
Tại sao giá tôm nguyên liệu Việt Nam cao? Trong các nguyên nhân có thức ăn cho tôm, giá trung bình 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần giá thức ăn cá tra. Hầu hết thức ăn tôm do công ty nước ngoài sản xuất, công ty trong nước rất ít. Nếu giảm được giá thức ăn cho tôm chắc chắn giá tôm nuôi sẽ giảm. Giá tôm tại Ấn Độ thấp, vì Ấn Độ tự sản xuất thức ăn, cung cấp giống cho nông dân chứ không phụ thuộc công ty nước ngoài.
Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Mỹ là thị trường lớn của Việt Nam, tuy nhiên gần đây có xu hướng chuyển sang thị trường khác, về lâu dài cần nhìn nhận lại tổ chức sản xuất để có giá thành phù hợp, để doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất cạnh tranh và bán được. Phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp phải nhập khẩu tôm mới tồn tại. Từng là mô hình mẫu nuôi tôm thành công vang dội, nay Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) rơi vào khốn đốn.
Ông Võ Quang Huy, phó chủ tịch hiệp hội cho biết, tình hình nuôi tôm đang rất ảm đạm, hiện phải giảm nuôi để giảm lỗ. Nếu không giải quyết vốn cũng như nợ xấu thì người nuôi tôm sẽ thê thảm hơn. Người nuôi không còn vốn, vay ngân hàng thì càng khó khăn. Theo ông Huy, kinh nghiệm từ những vụ tôm vừa qua, để hạn chế bệnh nên thả tôm sớm hơn, tôm chấp nhận lạnh nhưng sợ độ mặn và nhiệt độ cao, tuy nhiên điều này vi phạm lịch thời vụ theo quy định. Theo ông Huy, qua theo dõi cho thấy khi nhiệt độ cao, độ mặn tăng thì bệnh tôm tăng lên nhanh. Để tránh tồn dư ethoxyquin trên tôm, người nuôi có thể ngừng cho ăn theo thời hạn nhất định sẽ không còn tồn dư chất này. Ngoài ra, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, người nuôi có thể thả thưa hơn, thả nuôi khi độ mặn thấp.
Related news
Ở vùng nông thôn, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Phúc, một hộ nuôi tôm (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải - Bạc Liêu) nói: “Ở địa phương này, đường sá đi lại khó khăn, nên thương lái ít vào đây thu mua tôm, cua… Nếu không có người thu mua tôm, cua, người dân ở đây sẽ gặp khó khăn”.
Những ngày này, thị trấn Cao Thượng tràn ngập sắc đỏ đặc trưng của vải sớm Tân Yên. Dọc đường vào xã Phúc Hoà (nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện, khoảng 350 ha) có hàng chục điểm cân vải. Nông dân chở vải từ các xã Phúc Hoà, Liên Sơn, Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung…
Ông Trịnh Minh Tấn (SN 1950, ngụ tổ 7, ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) hiện đang nuôi 50 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng. Đây là mô hình chăn nuôi mới ở huyện Châu Thành đem lại thu nhập khá. Theo ông Tấn, bồ câu là giống sinh sản nhanh (ấp 18 ngày là trứng nở), ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế lại cao.