Cán Bộ Xã Giỏi Làm Kinh Tế VAC
Anh Phạm Thận, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bắc Phong (Thuận Bắc) không những tích cực công tác xã hội mà còn làm kinh tế gia đình giỏi. Anh là người đi đầu ở thôn Mỹ Nhơn thực hiện mô hình “vườn - ao - chuồng” (VAC) mang lại hiệu quả cao.
Là cán bộ xã, anh có điều kiện đi tham quan các mô hình sản xuất. Thấy nông dân ở các tỉnh bạn giàu lên nhờ làm VAC, anh tìm tòi, học hỏi và áp dụng trên khu đất của mình. Năm 2005, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng anh đã dồn hết số tiền ít ỏi tích cóp được cải tạo khu đất khô cằn, thiếu nước ở xứ đồng Suối Đế để trồng lúa, nuôi heo, đào ao thả cá và lấy nước phục vụ sản xuất. Ban đầu do ít vốn, anh chỉ nuôi 5 con heo và thả một ít cá rô phi để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Sau một vài năm tổ chức sản xuất, anh nhận thấy “mắt xích” đầu tiên có ảnh hưởng trực tiếp đến cả “dây chuyền” sản xuất kép kín là nuôi heo. Do đó anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây thêm dãy chuồng rộng 200 m2, với hệ thống máng ăn tự động, nâng quy mô đàn lên đến gần 100 con, trong đó có 12 nái. Năm 2011, anh trúng đậm liên tiếp 3 lứa heo giống, thu lãi hàng chục triệu đồng.
Sang năm 2012, tuy giá heo có hạ, nhưng từ đầu năm anh đã xuất 2 lứa heo giống với hơn 100 con, bình quân 700 ngàn đồng/con. Anh Thận chia sẻ kinh nghiệm: “Để bảo vệ đàn heo không bị dịch bệnh phải chăm sóc chúng thật cẩn thận, thường xuyên phun thuốc khử trùng chuồng trại, tắm heo bằng nước sạch mỗi ngày 2 lần. Trong điều kiện giá thức ăn cao như hiện nay, các hộ có quỹ đất nên trồng lúa, rau để bổ sung thức ăn cho heo, giảm chi phí đầu tư”.
Kể từ khi đàn heo phát triển, nhờ có nguồn chất thải dồi dào bón cho lúa, anh đã mở rộng diện tích trồng lúa từ 6 sào lên 1 ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Đặc biệt, mới đây anh đầu tư 21 triệu đồng xây hầm Bioga, dung tích 15 khối, để xử lý chất thải của đàn heo và lấy ga làm chất đốt phục vụ chăn nuôi, nấu nướng trong gia đình. Anh Thận, cho biết: “Chi phí đầu tư xây hầm Bioga hơi cao so, nhưng mang lại lợi ích lâu dài. Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng tiền chất đốt.”.
Số tiền thu được từ nuôi heo, trồng lúa anh Thận trích ra một phần đầu tư vào trồng 1 sào cỏ, 1 sào rau muống nuôi bò nái, quy mô sản xuất vì thế ngày càng được mở rộng. Từ đầu năm đến nay, anh gầy thêm hai còn bò nái, nâng đàn lên 6 con, trong đó có 3 con mới đẻ. Anh còn có dự định nuôi trùn quế để làm thức ăn mở trang trại gà.
Nói về người cán bộ “hai giỏi”, anh Phan Thanh Thiên, Phó Chủ tích Hội Nông dân xã Bắc Phong, nhận xét: “Anh Thận không những làm kinh tế giỏi, mà còn rất hòa đồng với mọi người, tích cực tham gia vận động bà con địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Related news
Trong số những mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả ở huyện Thanh Trì, không thể không kể đến mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Duy Hưởng, thôn 3, xã Đông Mỹ, Hà Nội. Không chỉ làm kinh tế có hiệu quả cao, ông Hưởng còn là một trong những người tiên phong đưa con tôm càng xanh về nuôi tại địa phương này.
Theo ông Châu Hoàng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh), vụ nuôi tôm sú năm 2013, huyện Duyên Hải có khoảng 14.400 hộ thả nuôi 02 loại tôm sú và tôm thẻ chân trắng, diện tích khoảng 17.300ha, hơn 1,14 tỷ con giống, tăng gần 1.500 hộ, tăng gần 6,6 triệu con giống so với cùng kỳ.
Tự mình làm trước để rút kinh nghiệm, rồi hướng dẫn hội viên trồng lúa giống mới, rau sạch, nuôi gà siêu trứng, giúp vay vốn ưu đãi... Những cách làm ấy của chị Phan Thị Hường - Chủ tịch Hội ND xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội đã giúp nhiều gia đình hội viên tăng thu nhập.