Prices / Mô hình kinh tế

Cán Bộ Thú Y Cơ Sở Giữ Cơ Nghiệp Cho Nhà Nông

Cán Bộ Thú Y Cơ Sở Giữ Cơ Nghiệp Cho Nhà Nông
Author: 
Publish date: Saturday. August 10th, 2013

Đối với nhiều nông dân ở Bắc Giang, hình ảnh những cán bộ thú y cơ sở ngày ngày đi khắp các thôn, xóm chăm sóc, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm đã trở nên quen thuộc. Công việc tuy vất vả nhưng với lòng yêu nghề, họ đã góp phần không nhỏ bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.

Nhiệt huyết với nghề

Ba giờ sáng, ông Nguyễn Văn Lục, cán bộ thú y xã An Thượng (Yên Thế) đã vội vã thức dậy khi nghe thấy giọng hốt hoảng của một người dân trong xã nói có con trâu bị ốm, không thể đứng dậy được. Ngay lập tức, ông đem theo túi thuốc, kim tiêm lên đường. Giữa đêm tối, đường đi gập ghềnh nhưng ông không ngại vì nghĩ rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp ”, phải cố gắng cứu chữa kịp thời để người dân không bị thiệt hại.

Sau khi khám, xác định bệnh, ông tiêm thuốc, truyền dung dịch đường glucô, theo dõi đến lúc vật nuôi có dấu hiệu hồi phục mới trở về nhà. Được biết, ông Lục tốt nghiệp trung cấp thú y năm 1996 và làm thú y xã từ đó đến nay. Gần 20 năm trong nghề, chuyên môn giỏi, tận tình với công việc, ông được nông dân trong xã tin tưởng, quý mến. Không kể ngày đêm, hễ nghe có người gọi chữa bệnh cho vật nuôi là ông đến ngay.

Đặc biệt, trước đây, nhiều hộ trong xã còn thờ ơ với việc tiêm phòng, khắc phục tình trạng này, ông thường tranh thủ những lúc đi chữa bệnh đến từng nhà tuyên truyền vận động người dân.

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Ngọc Văn Chiến được tuyển dụng về làm thú y xã Long Sơn (Sơn Động), nơi có địa bàn rộng, nhiều đường đất ghập ghềnh. Tại đây, nông dân có tập quán thả rông trâu, bò nên việc quản lý dịch bệnh càng khó khăn. Anh Chiến cho biết: “Bất kể ngày cuối tuần hay lễ, tết, khi nhận được thông tin có gia súc, gia cầm chết bất thường ở các thôn, bản là tôi đến kiểm tra, xác định nguyên nhân và báo cáo lên cấp trên; chủ động các biện pháp ứng phó nếu thấy có dấu hiệu dịch bệnh truyền nhiễm.

Một số thôn như: Điệu, Đẫm, Tẩu cách xa trung tâm xã, đường khó đi nên có đợt dịch tôi phải ngủ ở lại đó cả tuần để điều trị cho đàn vật nuôi, cùng với các thú y viên hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống dịch, khoanh vùng ổ dịch”.

Cũng như anh Chiến, anh Nguỵ Công Điện, cán bộ thú y xã Cao Xá (Tân Yên) đã vượt qua khó khăn trụ lại với nghề. Có lần anh bị một số người dân đe doạ vì thấy gia súc bỏ ăn sau khi được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Không nao núng, anh kiên trì khám lại, phát hiện vật nuôi bị bệnh về tiêu hoá và điều trị dứt điểm. Khi hiểu ra, bà con trong xã đã rất tin tưởng vào tay nghề của anh.

Vẫn còn trăn trở

Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng ngõ xóm, đến từng hộ gia đình để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là cúm gia cầm. Là cán bộ thú y cơ sở nhiều năm, chị Trần Thị Miên (xã Phi Mô, Lạng Giang) đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn.

Chị Miên nói: “Khi gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, tôi phải đi sớm về muộn, tất bật cả ngày, công việc ở nhà đành để người thân gánh vác. Có lần tôi đi chống dịch cúm gia cầm, chồng con cứ nơm nớp lo tôi mang vi rút cúm về nhà, ngộ nhỡ lây sang mọi người.

Làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro song hiện nay các cán bộ thú y cơ sở thiếu những trang thiết bị bảo hộ lao động cần thiết. Theo anh Nguỵ Công Điện, thì dụng cụ bảo hộ lao động như: găng tay, quần áo mỗi khi hành nghề đều thiếu. Do đó, nhiều khi đi tiêm bị trâu, bò húc, chó cắn làm xây xát chân tay. Dụng cụ như kim, bơm tiêm cho đàn vật nuôi không đầy đủ.

Ngoài ra, ở các xã vùng cao, cán bộ thú y tốn nhiều chi phí xăng xe do đặc điểm đường sá, địa hình song cũng không có thêm khoản phụ cấp nào ngoài lương. Theo Nghị quyết 37- HĐND tỉnh năm 2011, ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ 60% kinh phí tiêm vắc-xin, còn lại 40% là đối ứng của người dân nhưng thực tế rất khó thu. Nhiều cán bộ thú y phải mất cả tháng đi lại nhiều lần vẫn không thu xong tiền đối ứng để hoàn tất thủ tục thanh toán.

Để những cán bộ thú y cơ sở làm tốt hơn công việc, góp phần phát huy thế mạnh chăn nuôi của tỉnh, các cấp chính quyền nên quan tâm nhiều hơn đến lực lượng này, có giải pháp cụ thể trong khâu thu tiền đối ứng tiêm phòng vắc - xin, bổ sung phương tiện phục vụ tiêm phòng, hạn chế những rủi ro trong công việc.

Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng ngõ xóm, đến từng hộ gia đình để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.


Related news

Hiệu Quả Từ Trồng Ngô Mật Độ Cao Hiệu Quả Từ Trồng Ngô Mật Độ Cao

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Trạm Khuyến nông Thanh Thủy và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam thực hiện mô hình trồng ngô mật độ cao trên diện tích 3 ha. Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô DK8868, với khoảng cách hàng cách hàng 60-65 (cm), cây cách cây 20-25 (cm) kết hợp bón phân NPK khép kín, mật độ 6,5-7 vạn cây/ha.

Saturday. August 10th, 2013
Giải Pháp Mới Cho Nuôi Tôm Công Nghiệp Giải Pháp Mới Cho Nuôi Tôm Công Nghiệp

Với tiềm năng về thuỷ sản với hơn 220.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 5.000 ha tôm nuôi công nghiệp, tuy nhiên, gần đây có gần 400 ha tôm bị bệnh mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Yêu cầu thực tế đặt ra là tìm một hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nữa nghề nuôi tôm.

Saturday. August 10th, 2013
Đẩy Mạnh Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến Đẩy Mạnh Phát Triển Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến

Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên.

Saturday. August 10th, 2013