Cam Không Rõ Nguồn Gốc “Đội Lốt” Cam Vinh, Hòa Bình
Thời gian gần đây, các chợ và điểm bán lẻ hoa quả ở TP Hà Tĩnh bày bán loại cam không rõ nguồn gốc với giá rẻ. Theo các chủ hàng thì cam họ bán là cam Vinh (cũng có người nói là cam Hòa Bình). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì rất có thể loại cam này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tại chợ Hà Tĩnh, hầu hết các sạp trái cây đều bày bán loại cam có vỏ màu vàng đậm, nhiều quả có cả cuống lá nhìn như vừa mới hái. Khi khách hỏi mua, người bán chỉ trả lời đấy là “cam Hòa Bình”, giá 40.000 đồng/kg. Vừa mua xong 1 kg cam tại chợ Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Hà (phường Bắc Hà) cho biết: “Cam này rất ngọt, tôi vẫn thường mua để cả nhà dùng”. Khi được hỏi về nguồn gốc cam, chị Hà nói không biết, chỉ nghe người bán nói là “cam Hòa Bình” và tin nên mua. Còn chị Hà Thị Lĩnh (phường Trần Phú) cho biết: “Cách đây vài tuần, có mua loại cam giống như vậy, nhưng người bán cho biết đó là “cam Vinh”. Thực sự cam này ở đâu thì có lẽ chỉ người bán mới biết chính xác”.
Loại cam có bề ngoài nhìn bắt mắt, quả to, vàng tươi, vỏ mọng và trơn láng được gọi là Cam Hòa Bình đang bày bán tại chợ Hà Tĩnh và một số điểm bán lẻ hoa quả ở thành phố Hà Tĩnh
Cũng tại chợ Hà Tĩnh, khi chúng tôi hỏi mua thì người bán quảng cáo: “Đây là “cam Hòa Bình”, đảm bảo ngon và an toàn, giá 40.000 đồng/kg. Mua bao nhiêu cũng có”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Hòa Bình chỉ có huyện Cao Phong là vùng trồng cam nổi tiếng và có sản lượng hàng năm rất lớn. Diện tích trồng cam ở Cao Phong là 650 ha với sản lượng ước đạt 8.000 tấn. Mùa thu hoạch cam ở huyện Cao Phong từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Và giá cam bán tại vườn vào thời điểm thu hoạch rộ từ 15.000-35.000 đồng/kg. Theo Phòng NN-PTNT huyện Cao Phong thì thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện chỉ có một số ít cam trái mùa nhưng giá bán tại vườn từ 70.000-80.000 đồng/kg.
Liên quan đến loại cam không rõ nguồn gốc đang được bày bán trên thị trường được cho là “cam Vinh”, ông Từ Kim - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An khẳng định: “Diện tích cam Vinh có 1.700 ha, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nghệ An, trung bình mỗi năm đạt năng suất khoảng 10 tấn/ha. Cam thu hoạch đại trà từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Do vậy, tại thời điểm này không thể có cam Vinh bán trên thị trường”.
Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ Hà Tĩnh cho biết: Các loại quả bán tại chợ Hà Tĩnh hiện rất khó xác định nguồn gốc, bởi chợ không có đủ cơ sở và chức năng để kiểm tra. Về loại cam đang bày bán tại chợ được cho là “cam Hòa Bình” là do người bán nói thế nào thì biết như vậy”.
Còn ông Trần Hữu Hạnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh cho rằng: “Lực lượng quản lý thị trường chỉ quản lý các loại hàng hóa có nhãn mác đăng ký lưu thông trên thị trường. Nhiều mặt hàng quả hiện nay đang được bày bán tại Hà Tĩnh, đơn vị không xác định được nguồn gốc. Nếu người tiêu dùng muốn biết rõ loại quả đó có tác hại đối với sức khỏe thì nên đến thử nghiệm tại Chi cục VSATTP”?!
Theo thông tin trong bài “Cam Trung Quốc đội lốt cam Vinh” (Báo Gia đình & Xã hội, số 18 ra ngày 2/5): Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi đêm có rất nhiều xe tải nhập cam với số lượng lớn và tỏa đi các tỉnh phía Bắc, khách hàng bán buôn gọi là “cam Vinh”. Cam có màu vàng tươi, lá và cuống cũng rất tươi, các chủ hàng nói là mua bao nhiêu cũng có và vận chuyển đi các nơi “đảm bảo yên tâm, để cả chục ngày vẫn tươi”. Cũng theo tác giả bài báo, điều đáng nói là trên các thùng xốp này có nhãn mác chữ Trung Quốc nhưng khi chủ hàng bán cho khách buôn thì xé nhãn và vận chuyển thành từng thùng, từng bì không nhãn.
Từ những thông tin trên, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua loại cam này.
Có thể bạn quan tâm
Bởi tính cần cù, biết tính toán và ham học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nên mô hình kinh tế đa canh của ông Lý Văn Mến, ấp Bà Hính, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi cho thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, nhắc đến ông Nguyễn Văn Hoà hầu như bà con đều biết. Vì ngoài công việc của một cán bộ bảo hiểm xã hội, ông còn tranh thủ thời gian thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng bồn bồn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ cho công tác sản xuất lúa giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận. Song, không ít hộ dân sản xuất ra không sử dụng được để làm giống mà chỉ bán lúa thương phẩm, do ruộng sản xuất giống xen kẽ với ruộng lúa thương phẩm nên bị tạp giao.