Trang Trại Nuôi Chim Cút An Toàn
Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi chim cút, đến nay, ông Trần Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi cút với quy mô lớn.
Đến thăm trang trại nuôi cút của ông Trần Nguyễn Hồ đều có một ấn tượng khá đặc biệt với hệ thống chuồng trại tại đây. Các ô chuồng được hàn bằng kim loại ghép lại với nhau thành một hệ thống nối dài, ô phía trên gắn với ô bên dưới theo hình bậc thang. Các ô chuồng được treo trên hệ thống giá đỡ bằng sắt kiên cố, vì vậy rất tiện lợi cho việc vệ sinh phía dưới sàn. Hệ thống máng ăn và đường ống dẫn nước uống được thiết kế khá đặc biệt, trông lạ và tiện ích. Phân cút được xử lí tốt và an toàn cho môi trường xung quanh.
Ông Hồ cho biết, việc thiết kế mỗi ô chuồng cũng phải tính đến mật độ nuôi hợp lí. Chẳng hạn, 1 mét chiều dài của ô chuồng thả nuôi từ 22 đến 24 con, trong đó, tỉ lệ trống - mái là 1/4. Hiện nay, trang trại của ông đang nuôi trên 60.000 con cút, nhưng diện tích chiếm chưa đầy nửa công đất.
Việc cải tiến chuồng trại ngày nay mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn cho người nuôi, nhất là đã giải quyết rất tốt vấn đề vệ sinh môi trường. Phân cút thải ra được xử lí bằng mùn cưa và vôi bột, thu gom bán cho các nhà vườn. Cũng giống như những người nuôi gia cầm khác, ông Hồ rất chú ý đến việc phòng dịch trong tình hình dịch cúm A/H5N1 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Cút có thời gian sinh trưởng rất ngắn. Cút trưởng thành và cho sinh sản chỉ sau 45 đến 50 ngày tuổi. Thời gian cho trứng kéo dài từ 8 đến 9 tháng thì hết lứa, phải thay đàn cút mới.
Trước đây, trang trại của ông Hồ phải đảm đương hết mọi việc, từ khâu sản xuất con giống cho đến khâu tiêu thụ trứng. Nay, do nhu cầu phát triển của thị trường, ngoài việc cung cấp trứng thông thường, trang trại còn cung cấp một lượng rất lớn trứng cút lộn. Vì vậy, việc sản xuất cút giống, ông chuyển dần cho các hộ vệ tinh.
Không chỉ có ông Hùng, trên địa bàn huyện đã có vài chục hộ tham gia làm vệ tinh cho trang trại của ông Hồ, hộ nuôi ít cũng vài nghìn con, hộ nuôi nhiều lên đến vài chục nghìn con. Đặc biệt, ông rất ưu tiên cho những hộ nghèo và cận nghèo tại xã nhà.
Xuất thân không phải là nông dân, với tấm bằng trung cấp dược, sau giải phóng, ông được nhận vào làm việc ở Xí nghiệp Dược của tỉnh. Sau gần 15 năm làm công ăn lương, ông Hồ cảm thấy cuộc sống vẫn cứ “dẫm chân tại chỗ”. Năm 1990, ông xin nghỉ việc, ra ngoài làm ăn.
Gần 10 năm tìm cơ hội làm giàu, mãi đến năm 1998, ông Hồ mới nghĩ đến nghề nuôi cút. Tuy nhiên, những yếu tố bất ngờ khác đã khiến ông điêu đứng, tưởng chừng không thể gượng dậy nổi. Đó là thời điểm dịch cúm gia cầm xảy ra. Trong 3 năm, từ năm 2003 đến năm 2005, mọi hoạt động của trang trại gần như bị đóng băng hoàn toàn. Mỗi ngày, ông lỗ tiền thức ăn hàng triệu đồng. Ông đã nghĩ đến việc bán mảnh đất hương hoả duy nhất của gia đình để trả nợ ngân hàng.
Cuối năm 2005 đến đầu năm 2006, thị trường thịt và trứng gia cầm nói chung, trứng cút nói riêng, bắt đầu hồi phục. Trang trại có cơ hội sống lại. Một thời gian sau đó, thị trường trứng cút giống như bị khan hiếm, trang trại của ông Hồ đã có cơ hội để phất lên nhanh chóng. Sau thời điểm đó, kinh tế gia đình bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh mẽ. Đất đai được mở rộng, ông cũng có điều kiện để giúp đỡ cho nhiều người cùng phát triển với mình và làm nhiều việc có ích khác cho xã hội
Có thể bạn quan tâm
Từ giữa tháng 2 đến nay, ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi) được mùa cá cơm.
Được sự trợ giúp cả về vốn và kỹ thuật của Nhà máy Đường Sông Con (Nghệ An), từ năm 2009 đến nay, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã chuyển đổi thành công hàng trăm ha đất bãi ven sông Con, đất màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra, Bộ NNPTNT dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 gói hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ cá tra với kinh phí 4.400 tỷ đồng.