Cải Thiện Đời Sống Từ Phụ Phẩm Cây Tràm
Những năm qua, khi cây tràm liên tục rớt giá thì cành, ngọn và gốc đang mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận không nhỏ người dân trong các lâm phần.
Trên tuyến lộ về trung tâm huyện U Minh, đoạn thuộc ấp 6, xã Khánh An đến ấp 6, xã Nguyễn Phích có trên 20 hộ dân hành nghề hầm than bằng những phụ phẩm của cây tràm. Họ một phần là dân địa phương, một phần dân từ nơi khác đến cất chòi để làm nghề.
Bà Nguyễn Hồng Phước, người dân ấp 6, xã Khánh An, cho biết, nghề hầm than ở đây đã có từ rất lâu, nhưng làm với số lượng lớn bán ra thị trường thì mới có cách đây vài năm. Khi than bắt đầu có giá thì người tham gia hầm than ngày một nhiều hơn. Gia đình bà cũng mới phát triển nghề này để kiếm sống hơn 2 năm nay.
Vốn đầu tư ít
Khi nói về nguyên liệu phục vụ cho nghề hầm than, bà Phước cho biết, các phụ phẩm từ những mảnh rừng đã khai thác là rất nhiều. Từ ngọn, gốc, thậm chí là cành đều có thể dùng để hầm than được. Chỉ cần 700.000-1.000.000 đồng là mua được cả héc-ta rừng đã khai thác để lấy phụ phẩm hầm than đến mấy tháng.
Anh Trần Văn Đoan, ấp 6, xã Nguyễn Phích, cũng cho biết, không cần phải có rừng mới hầm than được, chỉ cần đi mua lại 1-2 ha rừng đã khai thác thì có đủ cây để hầm cả năm. Chủ yếu là bỏ công để thu gom, còn vốn đầu tư thì chẳng bao nhiêu.
Anh Đoan bộc bạch, hai vợ chồng rời quê hương Trà Vinh về với vùng đất Cà Mau từ những năm 2000. Hơn 10 năm trôi dạt khắp nơi, làm đủ các nghề để mưu sinh, từ đi biển cho đến làm thuê, nhưng không công việc nào là ổn định, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, vợ chồng đến với đất rừng U Minh làm nghề hầm than mang lại thu nhập khá ổn định.
Theo bà Phước, giờ đây cứ bình quân 3 ngày là cho ra 20 bao than, với giá 55.000-60.000 đồng/bao, mỗi tháng bà thu nhập trên 10 triệu đồng. Bà bộc bạch, nếu không có nghề hầm than cuộc sống không biết ra sao. Giờ đây, chỉ cần có than là có thương lái đến tận nơi để mua, không phải chở đi đâu. Từ nghề phụ giờ đây nghề hầm than đã trở thành thu nhập chính cho nhiều gia đình ở U Minh.
Tuy xuất phát chỉ là công việc phụ, nhưng giờ đây nghề hầm than từ phụ phẩm cây tràm không chỉ giúp người dân trong lâm phần cải thiện cuộc sống mà còn góp phần tăng giá trị cây tràm.
Related news
Cà Mau là vùng đất phì nhiêu, trù phú, song cũng lắm phần khắc nghiệt. Nếu không đủ ý chí có lẽ đây chẳng phải là miền đất hứa cho những ai có mộng làm giàu. Nhưng giờ đây Cà Mau đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Vùng dự án nuôi tôm càng xanh thuộc ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có diện tích 493 ha, trong đó diện tích nuôi tôm là 200 ha, tập trung ở ô bao số 8 và ô bao số 21.
Đến nay, nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau) đã chính thức vào vụ thu hoạch tôm càng xanh trên ruộng lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông và Trí Phải.