Cải Tạo Mới Cà Phê Ở Lâm Hà (Lâm Đồng)
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng vừa hoàn thành năm đầu tiên triển khai mô hình cải tạo mới cà phê theo hướng sản xuất bền vững ở Lâm Hà. Với 70 hộ tham gia mô hình sản xuất trên diện tích 30 ha cà phê catimor (chè) trong thời kỳ kinh doanh từ 4 - 10 năm tuổi, đã tăng thêm năng suất cà phê nhân trung bình mỗi ha trên dưới 2 tạ.
Đi vào triển khai mô hình cải tạo mới cà phê để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành mối liên kết ổn định giữa sản xuất và tiêu thụ, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà cùng với chính quyền xã Mê Linh, xã Đông Thanh và thị trấn Nam Ban để xét chọn 70 hộ gia đình tham gia sản xuất mô hình cà phê chè bền vững. Để được chọn tham gia thực hiện mô hình, các hộ phải đáp ứng các điều kiện về diện tích vườn cà phê chè đang thời kỳ kinh doanh, về lực lượng lao động, về kinh phí đối ứng và đặc biệt phải có cam kết tự nguyện tham gia mô hình, thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đúng quy định của đơn vị chủ đầu tư. Đồng thời căn cứ đặc điểm của từng khu vực sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã chia đều mô hình cải tạo mới cà phê chè tại mỗi địa phương 10 ha gồm thị trấn Nam Ban với 22 hộ, xã Đông Thanh với 27 hộ và xã Mê Linh với 21 hộ.
Theo người phụ trách mô hình, anh Hán Quỳnh Châu, kỹ sư Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, thực tế không ít diện tích sản xuất cà phê chè ở Lâm Hà trong nhiều năm qua vẫn còn áp dụng những kinh nghiệm cũ, thiếu đầu tư chiều sâu về kỹ thuật và công nghệ mới. Qua khảo sát việc tỉa cành, tạo tán, làm cỏ, đắp bồn gốc cây, bón phân, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh… của những vườn cà phê chọn làm mô hình, đối chiếu với quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê mới cần phải bổ sung khá nhiều công đoạn. Bởi vậy, với yêu cầu quan trọng khi thực hiện mô hình, Trung tâm đã tổ chức 2 đợt tập huấn kỹ thuật với 70 nông hộ tham gia, tập trung những nội dung chính về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững theo tiêu chuẩn toàn cầu (tiêu chuẩn 4C và tiêu chuẩn UTZ), áp dụng phù hợp vào điều kiện sản xuất ở từng địa phương.
Định mức đầu tư trên mỗi ha cà phê mô hình trong một năm gồm vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, vôi bột… với tổng giá trị hơn 25 triệu đồng, trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ 50%; còn lại 50% là vốn đối ứng của người tham gia mô hình. Về kỹ thuật cải tạo, chăm sóc cây cà phê mô hình trong niên vụ vừa qua, nông dân được “cầm tay” hướng dẫn trực tiếp từ đội ngũ kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, của Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà cùng lực lượng khuyến nông viên cơ sở.
Các công đoạn cải tạo mới vườn cà phê mô hình ở đây chủ yếu là tỉa bỏ những cành sinh trưởng kém hiệu quả, chọn lại những cành cây khỏe mạnh nhất để chăm sóc với các chế độ bón phân đúng liều lượng, đúng thời điểm, chế độ bơm phun thuốc trừ sâu phù hợp, từ đó tạo đủ dinh dưỡng cho cây phát triển tán phủ rộng hơn và đậu trái nhiều hơn so với quy trình sản xuất thông thường trước đó.
Qua theo dõi trong quá trình cải tạo, chăm sóc cà phê mô hình ở Lâm Hà đã xuất hiện nhiều bệnh gây hại như: rệp vảy xanh, rệp vảy nâu, rệp sáp, mọt đục cành và đục quả; các bệnh rỉ sắt, khô cành, khô quả… Nhưng nhờ cán bộ kỹ thuật bám sát sản xuất hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trên vườn, hướng dẫn từng nông hộ sử dụng các biện pháp phòng trừ khá kịp thời và hiệu quả các bệnh gây hại, nên đã không ảnh hưởng đến năng suất cà phê thu hoạch.
Kết quả đối chứng trong niên vụ cà phê chè vừa qua ở Lâm Hà cho thấy: Vườn mô hình thu đạt 3,5 tấn nhân/ha, vườn không tham gia mô hình chỉ đạt 3,3 tấn nhân/ha. Công ty Atlantic Việt Nam đã thu mua toàn bộ sản lượng cà phê nhân thu hoạch của 70 hộ gia đình sản xuất trên 30 ha mô hình với giá tăng thêm từ 300 - 400 đồng/kg so với giá thị trường. Từ kinh nghiệm cải tạo mới cà phê chè thành công ở Lâm Hà năm đầu tiên, Công ty này đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức chức tập huấn, hội thảo đầu bờ cho gần 300 nông hộ sản xuất cà phê trong và ngoài huyện Lâm Hà tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.
Related news
Đó là cách làm giàu của chị Vũ Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến (thị xã Lai Châu). Trên diện tích hơn 5.000 m2, từ trồng rau gia vị, trừ mọi chi phí, mỗi năm chị thu được hơn 200 triệu đồng.
Sáng 1-4, tại phía trên đập thủy điện Sơn La, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với tỉnh Sơn La và Công ty Thủy điện Sơn La tổ chức lễ thả cá giống xuống hồ thủy điện Sơn La.
Sau 6 tháng triển khai, đến nay, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở xã Lộc Nga (Lâm Đồng), được thực hiện tại 15 hộ với số lượng 60 kg cá giống, do Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đã triển khai, đã đem lại hiệu quả khá cao.