Cách chống rét cho trâu bò sáng tạo của nông dân Nghệ An
Anh Sơn có tổng đàn trâu, bò 37.793 con. Để bảo vệ những “đầu cơ nghiệp” trong mùa Đông năm nay ngoài các phương pháp truyền thống như: gia cố, che chắn chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn dự trữ thì bà con nông dân còn có thêm một cách làm mới.
Với tỷ lệ 100 kg cỏ hoặc thân cây màu trộn với 5 kg cám ngô hoặc gạo, 0,5 kg muối hạt, 1 kg đường mật sau đó được ủ kín trong bể. trong khoảng 1 tuần trâu bò có thể ăn được.
Tháng 10/2016 trạm khuyến nông huyện Anh Sơn tập huấn mô hình ủ chua thức ăn trong chăn nuôi tại hai xã Cẩm Sơn và Hùng Sơn với hơn 100 hộ tham gia. Đến nay sau gần 4 tháng triển khai, mô hình đã thật sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là trong thời điểm giá rét.
Anh Cao Xuân Thế, thôn Hội Lâm, xã Cẩm Sơn cho biết: Gia đình nuôi 15 con trâu bò, những năm trước thường tận dụng các loại như rơm rạ, thân cây ngô, ngọn mía để làm thức ăn cho trâu bò. Tuy nhiên với cách làm thông thường này các loại thức ăn nói trên sẽ không giữ được lâu, lại kém chất dinh dưỡng.
Năm nay, anh áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn thấy hiệu quả vượt trội. Với cách làm này có thể dự trữ thức ăn cho trâu, bò ăn trong khoảng thời gian dài từ 3 - 5 tháng, giúp cho gia đình giảm được công chăn thả và giải quyết được vấn đề khan hiếm nguồn thức ăn trong những ngày mưa rét.
Còn anh Nguyễn Văn Hùng thôn 2, xã Cẩm Sơn chia sẻ: Phương pháp ủ chua tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, đàn bò của gia đình tăng trọng nhanh hơn nuôi bình thường 30%, trong khi chi phí rẻ, mỗi lần ủ chua chỉ mất khoảng 80.000 - 100.000 đồng.
Anh Nguyễn Quang Phùng - Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn cho biết: Ngoài việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp góp phần làm sạch môi trường thì chăn nuôi trâu bò theo phương pháp ủ chua còn có những ưu điểm khác như: dự trữ được thức ăn trong thời gian dài; thức ăn ủ chua lên men sẽ giúp cho vật nuôi tiêu hóa tốt, kích thích trâu bò ăn nhiều, nhanh lớn, tăng sức đề kháng.
Thức ăn sau khi ủ sẽ có màu vàng, mùi thơm hơi chua nên rất hấp dẫn trâu bò.
Theo đó để thực hiện phương pháp này người dân cần chuẩn bị các loại vật liệu như: cỏ, rơm, thân cây ngô, cây sắn… được cho vào máy băm nhỏ, khoảng 5 - 7 cm, phơi 1 ngày rồi ủ chua, với tỷ lệ 100 kg cỏ hoặc thân cây màu trộn với 5 kg cám ngô hoặc gạo, 0,5 kg muối hạt, 1 kg đường mật. Thời gian ủ 1 tuần là có thể cho trâu, bò ăn được; bảo quản trong vòng 6 tháng. Mỗi ngày, một con trâu, bò trưởng thành sử dụng 10 - 15 kg thức ăn ủ kết hợp với ăn cỏ, hoặc 15 - 20 kg/ngày nếu nuôi nhốt hoàn toàn.
Trâu bò ăn thức ăn lên men bằng phương pháp ủ chua sẽ tiêu hóa tốt, chóng lớn, tăng sức đề kháng chống ngã bệnh trong thời tiết giá rét.
Để khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa, huyện Anh Sơn đã có cơ chế hỗ trợ 50% chi phí mua máy cắt, men ủ chua thức ăn cho các hộ chăn nuôi từ 5 con trâu, bò trở lên. Hiện nay không chỉ người dân ở Hùng Sơn, Cẩm Sơn mà ở các xã khác như: Tường Sơn, Tào Sơn, Thạch Sơn… hàng trăm hộ dân cũng tích cực áp dụng phương pháp ủ chua này. Hiệu quả từ mô hình đã và đang góp phần vào chủ trương phát triển chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn toàn huyện.
Related news
Dịch tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, do virus gây ra. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Virus dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc ống tiêu hóa, gây ra hiện tượng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.
Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn tụ huyết trùng gây ra. Bệnh thường mang tính địa phương và gặp ở khắp nơi trên đất nước ta. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9.
Trong chăn nuôi trâu, bò thường gặp bệnh liệt dạ cỏ nếu không được điều trị trâu, bò sẽ yếu dần và dẫn đến tử vong.