Prices / Tin thủy sản

Các nhà máy chế biến chao đảo khi thương lái Trung Quốc mua tôm tận ao, giá cao

Các nhà máy chế biến chao đảo khi thương lái Trung Quốc mua tôm tận ao, giá cao
Author: SÁU NGHỆ
Publish date: Tuesday. May 31st, 2016

Ngành chế biến xuất khẩu tôm ở ĐBSCL đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu, không chỉ bởi thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn mà còn vì thương lái Trung Quốc có mặt khắp nơi mua giá cao. Trong lúc, ngành sản xuất tôm nước ta vẫn tự phát, thiếu liên kết chuỗi giá trị.

Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, ông Lê Văn Quang, nói: “Đến các khách sạn thì biết, đầy thương lái Trung Quốc”. Năm ngoái, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xuất khẩu đạt kim ngạch 530 triệu USD, năm nay đặt kế hoạch 670 triệu USD nhưng ông Quang buồn bã, chưa biết thế nào vì các nhà máy chế biến chỉ hoạt động dưới 50% công suất.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP) Ngô Thành Lĩnh cho biết thêm, ở Cà Mau, tôm nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 42% tổng công suất của các nhà máy chế biến.

Thương lái mua tôm tận ao

Ông Lê Văn Quang cho hay, thương lái Trung Quốc có mặt khắp nơi là để “mua tôm tận ao nuôi, giá cao hơn thị trường bình quân 10.000 đồng/kg”.

Vì thế, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của ĐBSCL thiếu nguyên liệu. Giá thành tôm nguyên liệu nước ta đã cao nhất khu vực mà thương lái Trung Quốc vẫn mua cao vì theo ông Quang: “Họ đưa qua biên giới là khai tôm nuôi ở Trung Quốc, xuất sang nước thứ ba để được hoàn thuế giá trị gia tăng 13,5%. Không chỉ vậy mà còn mua một khai nhiều hơn nên càng có lời”.

Ông Quang kể từng trực tiếp chứng kiến, một bạn hàng ở Mỹ làm thủ tục tiếp nhận 5 container tôm từ Trung Quốc nhưng mở ra trống rỗng “vì phía Trung Quốc khai khống xuất khẩu để được hoàn thuế giá trị gia tăng, thực tế không có”.

Thương lái Trung Quốc mua tôm giá cao và còn dễ dãi trong kiểm tra chất lượng, thậm chí không cần kiểm tra. Trong khi, các doanh nghiệp nước ta kiểm tra chất lượng tôm nguyên liệu khá ngặt nghèo và để được giá cao hơn thị trường 5-10% còn phải có các loại giấy chứng nhận quy trình kỹ thuật tiên tiến.

Hợp tác xã Đoàn Kết ở xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) ký hợp đồng liên kết nuôi và tiêu thụ tôm với Cty TNHH Kinh doanh Chế biến thủy sản & XNK Quốc Việt ngày 4/9/2015.

Đến nay, Giám đốc HTX Lâm Thanh Dũng cho biết: “Chưa bán được con tôm nào”. Nguyên do, HTX chưa có giấy chứng nhận các quy trình tiên tiến vì 43 thành viên với 107 ha ở rải rác, không tập trung nên không làm được. Mỗi năm, khoảng 200 tấn tôm đều bán cho thương lái.


Hợp tác xã Đoàn Kết ký hợp đồng liên kết nuôi và tiêu thụ tôm với Cty Quốc Việt ngày 4/9/2015, đến nay chưa tiêu thụ được ký tôm nào

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Trương Đình Hòe phân tích, để liên kết nuôi và chế biến có hiệu quả, trước tiên “nông dân phải lớn lên”. Theo ông, sự “lớn lên” của nông dân chính là liên kết nhiều nông dân lại thành hợp tác xã, để tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật và quản trị, tạo ra sản lượng tôm lớn có chất lượng cao, tăng vị thế trong liên kết với doanh nghiệp chế biến.

Còn Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A ở xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) liên kết với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nuôi theo quy trình VietGAP nhưng tiêu thụ cũng khó khăn.

Giám đốc HTX Ngô Công Luận kể, khi tôm có dấu hiệu bất thường là phải thu hoạch để tránh thiệt hại nhưng kích cỡ tôm còn nhỏ, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú mua giá thấp, phải bán cho thương lái mới được giá cao. “Chúng tôi bán cho thương lái để tránh lỗ vì nuôi tôm VietGAP chi phí cao”, ông Luận nói.

Ông Quang thừa nhận: “Từ năm 2011 đến nay, hợp đồng với nông dân chỉ là hình thức”. Do nuôi tôm ngày càng rủi ro, chỉ thành công dưới 30%, thậm chí có nơi dưới 10% nên người nuôi sẵn sàng bỏ hợp đồng, bán cho thương lái mua giá cao để bớt thua lỗ. Hiện nay, các nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chế biến sản phẩm cao cấp mới có lời. “Tuy nhiên, hàng cao cấp cũng chỉ có thể chiếm 60-70% tổng sản phẩm, nên nhìn chung chế biến tôm đang rất khó khăn”.

Sản xuất tôm phải theo chuỗi giá trị...

Giải thích về thực trạng nuôi tôm rải rác, Giám đốc HTX Đoàn Kết Lâm Thanh Dũng nói: “Một chỗ chỉ có 3-5 hộ, cách quãng mới có 3-5 hộ khác, tổng diện tích 107 ha rải rác nên không tính toán làm gì được”.

Khảo sát của tổ chức Oxfam Việt Nam, khoảng 80% diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL là tự phát, nuôi quy mô nhỏ. Thiếu quy hoạch nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội.


Chế biến tôm xuất khẩu

Thấy rõ là hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội như ô nhiễm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng, mâu thuẫn lợi ích trong việc chia sẻ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Phó giám đốc Oxfam Việt Nam, bà Nguyễn Lê Hoa nói: “Chính những người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến đang hứng chịu các khó khăn và thiệt hại nặng nề từ các vấn đề như dịch bệnh, chất lượng giống, thức ăn, quản lý và quy hoạch vùng nuôi, các tác động của biến đổi khí hậu như ngập lụt, khô hạn và xâm nhập mặn”. Để giải quyết các vấn nạn, sản xuất tôm phải phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A Ngô Công Luận thừa nhận: “Nếu cứ chao đảo theo thương lái Trung Quốc như bây giờ là khó thoát nghèo”.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược của Ngân hàng Nhà nước, cho rằng sản xuất tôm phải theo chuỗi giá trị thì mới thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng để phát triển. Ông Hòe phân tích, có 3 trục chính tạo nên giá trị chuỗi sản xuất tôm: Nuôi-chế biến, ngân hàng-tín dụng, dịch vụ công (sở, ban, ngành). Trong đó, nuôi-chế biến phải liên kết lại.

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng thống nhất quan điểm “trước hết phải liên kết những người sản xuất nhỏ”. Ông phân tích, xây dựng chuỗi là xây dựng các mối liên kết, trước hết liên kết giữa những người sản xuất nhỏ, làm cho mỗi nông dân trở thành một người sản xuất tiên tiến, từ đó mới có chuỗi tiên tiến, ngành sản xuất tôm tiên tiến.

“Xây dựng chuỗi rất khó khăn nhưng phải làm vì đây là phương thức tiên tiến mà các nước hiện đại đã đi, chúng ta phải đi theo nếu muốn phát triển để thoát lạc hậu, đói nghèo”.


Related news

Sản lượng cá tra giảm 7% so với cùng kỳ Sản lượng cá tra giảm 7% so với cùng kỳ

Theo đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 617.000 tấn, đưa tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 2,447 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuesday. May 31st, 2016
Vải thiều Bắc Giang vẫn chọn Trung Quốc là thị trường chủ lực Vải thiều Bắc Giang vẫn chọn Trung Quốc là thị trường chủ lực

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, trong năm 2016, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 130.000 tấn, trong đó dự kiến sẽ XK khoảng 40% sang Trung Quốc.

Tuesday. May 31st, 2016
Nuôi cua nước lợ thu tiền tỷ Nuôi cua nước lợ thu tiền tỷ

Sau thử nghiệm các loại giống thủy, hải sản nuôi trong môi trường nước lợ, ông Phan Văn Trung (xóm Quyết Thắng, Diễn Bích, Diễn Châu, Nghệ An) đã thành công với mô hình nuôi cua. Trên diện tích 3ha, gia đình ông thả khoảng 30.000 con, sản lượng đạt 0,8 tấn/ha, thu về hơn 1 tỷ đồng/ vụ.

Tuesday. May 31st, 2016