Prices / Tin thủy sản

Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng khả quan nhất?

Cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng khả quan nhất?
Author: Hoàng Thông - Hoàng Vũ - CQ
Publish date: Monday. November 28th, 2016

Cuối năm là thời điểm các công ty chế biến cá tra tăng cường thu mua cá nguyên liệu, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tại EU, dịp Lễ Giáng sinh, Tết dương lịch năm 2017 sắp đến. Đây cũng là cơ hội cho nông dân bán được cá nguyên liệu giá cao.

Tuy nhiên, để SX và tiêu thụ cá tra phát triển bền vững, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh

Mặc dù, XK cá tra trong những tháng đầu năm phải vượt qua nhiều rào cản nhưng giá trị XK vẫn đạt được kết quả khả quan. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị XK cá tra đạt 1,39 tỷ USD, tăng nhẹ 6,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong ảnh: Để ngành cá tra phát triển bền vững cần thực hiện nhiều giải pháp cho người nuôi và DN xuất khẩu (Ảnh: PV)

Cũng trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai điểm sáng nhất trong bức tranh XK cá tra Việt Nam với giá trị chiếm tới 39,9% tổng giá trị XK cá tra. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ và Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2016 cũng rất cao với mức tăng trưởng lần lượt là 22,7% và 76,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Rào cản về thuế chống bán phá giá cao, chương trình thanh tra cá da trơn cho đến nay vẫn chưa ảnh hưởng sâu tới hoạt động XK sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Trung Quốc với Mỹ (thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra Việt Nam hiện nay) đang ngày một thu hẹp.

Nhiều dự đoán cho rằng, năm 2017, Trung Quốc có thể thay thế Mỹ để trở thành thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam với những sản phẩm đa dạng như cá tra phi lê còn da cắt miếng, cá phi lê và cá nguyên con xẻ bướm… Hiện nay nhu cầu chất lượng của Trung Quốc là tương đồng, thậm chí cao hơn châu Âu. Cụ thể, châu Âu hiện yêu cầu độ ẩm 86%, còn Trung Quốc thì có 2 dạng, một là 86% và cao cấp hơn là 85%, đi vào hệ thống chế biến và tiêu thụ của nhà hàng.

Một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở KCN Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, ngành thủy sản nói chung, ngành hàng cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm có tốc độ tăng trưởng tốt hơn những tháng đầu năm do phục vụ nhu cầu tiêu thụ cao của các nước châu Âu vào dịp Noel hay Tết Dương lịch. Các DN đều kỳ vọng ngành hàng cá tra tăng trưởng vào khoảng 15 - 18%.

Ông Nguyễn Văn Đạo, TGĐ Cty CP Gò Đàng (GODACO) - Tiền Giang cho biết, hiện tại giá cá tra nguyên liệu nằm ở mức cao, tốc độ tiêu thụ hàng hóa cũng đang nhích dần lên. Cụ thể, doanh thu của GODACO trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 700 tỷ đồng, tăng khoảng 8%, dự kiến đến cuối năm đạt 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với doanh thu năm 2015.

Ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Cty CP Hùng Vương (KCN Mỹ Tho, Tiền Giang), cho biết, năm nay cá tra vẫn là mặt hàng XK có mức tăng trưởng khả quan nhất trong ngành thủy sản cả về giá trị lẫn sản lượng. Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng ở hầu hết các thị trường cho đến quí I/2017 với mức tăng khoảng 20%. Đáng chú ý là XK cá tra sang thị trường châu Á (nổi bật là Trung Quốc) sẽ tăng trưởng cao gấp rưỡi thị trường Mỹ.

Hiệu quả nuôi tăng

Cũng theo ông Dương Ngọc Minh, hiện nhu cầu cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu lớn nhưng sản lượng nuôi của người dân giảm khoảng 30%, còn cá vùng nuôi nguyên liệu của DN cũng giảm. Do thiếu nguyên liệu, trong tháng 11.2016, các nhà máy chế biến cá tra giảm tới 30% công suất so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường từ nay trở đi tăng tới 40%.

Hiện nay giá cá tra từ 22.200 - 22.500 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hồi tháng 9.2016 và đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay (Ảnh: PV)

Theo Bộ NN-PTNT, nhu cầu tiêu thụ cá tra của các nước nhập khẩu tăng để phục vụ cho Giáng sinh và năm mới, trong khi đó nguồn cung lại không dồi dào nên giá cá tra hiện ở mức 22.200 - 22.500 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hồi tháng 9/2016 và đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.

Việc giá cá tra tăng trở lại được xem là cơ hội để giải phóng lượng hàng tồn đọng trong dân. Các thương lái đang đẩy mạnh thu mua các kích cỡ cá kể cả cá có trọng lượng từ 1 - 1,5kg. Điều này không chỉ là đảm bảo tốt đầu ra mà còn hạn chế gánh nặng chi phí đầu vào, nhất là thức ăn hàng ngày cho cá.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, diện tích cá tra 10 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL ước đạt 5.352ha, tăng 4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 996.076 tấn, tăng 9,1% với cùng kỳ. Sản lượng của một số tỉnh đạt khá như Đồng Tháp 325.042 tấn (tăng 18,7%), Cần Thơ 139.553 tấn (tăng 23,9%), Bến Tre 154.630 tấn (tăng 10,8%). Các địa phương đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích thả nuôi.

Trước xu hướng các nước tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước (đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ) nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn lo ngại nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Vì vậy, dưới tác động từ giá xuất khẩu cá tra phi-lê, giá thu mua cá tra nguyên liệu trên thị trường tăng nhưng về lâu dài người nuôi cá vẫn lo lắng do giá cá tra không ổn định.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia ngành hàng cá tra cho rằng, giá cá tra tăng trong thời điểm cuối năm không chỉ người dân mà các DN có vùng nuôi cũng được hưởng lợi. Đây là tín hiệu đánh dấu sự khởi sắc cho thị trường cá tra nguyên liệu trong những tháng cuối năm, giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận khá. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho các DN chế biến cá tra XK đạt mục tiêu kế hoạch SX năm 2016.

Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững

Trước sự phát triển chưa ổn định của ngành cá tra, vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ cá tra được Bộ NN-PTNT, các ngành liên quan và địa phương quan tâm, quyết liệt thực hiện.

Các DN chế biến XK đang tập trung hàng hóa bán trong dịp cuối năm (Ảnh: PV)

Nhiều chuyên gia nhận định, SX cá tra theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL là mô hình tiên tiến nhất hiện nay nhằm mang lại lợi ích cho những hộ nuôi nhỏ lẻ, cũng như DN. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị này đạt được lợi ích cao nhất đòi hỏi đôi bên phải tuân thủ nghiêm túc hợp đồng ký kết, có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho rằng, trước những cơ hội và thách thức của ngành cá tra, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết.

Do vậy, tái cấu trúc ngành hàng cá tra ở các khâu thị trường, sản phẩm, chất lượng, quản trị DN… Đồng thời, thúc đẩy môi trường cạnh tranh ở tất cả các phân khúc, từ hộ nuôi, khu vực giống, chế biến và các ngành dịch vụ hỗ trợ. Nhà nước cần hỗ trợ ở những khâu doanh nghiệp hiện nay chưa làm được như nghiên cứu về giống, bảo vệ gen, nghiên cứu công nghệ - kỹ thuật…

Tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế” vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: Trong thời gian tới, cần sớm hoàn thiện đề án khung sản phẩm quốc gia để đưa sản phẩm cá tra trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Tiếp tục rà soát lại các văn bản, qui định, các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người nuôi phát triển SX. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu trong chuỗi SX, chế biến, tiêu thụ cá tra nhằm giảm giá thành SX, nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.


Related news

Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm Quảng Ngãi: Cá bớp rớt giá thê thảm

Hai tháng qua, cá bớp thương phẩm liên tục rớt giá, đầu ra lại không ổn định nên nhiều hộ nuôi huyện Bình Sơn đứng ngồi không yên. Bán cá giá rẻ thì lỗ vốn...

Monday. November 28th, 2016
Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu Chủ động nguồn nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu

Sau 10 tháng, sản lượng thu hoạch cá tra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã tăng 9,1%, nhưng theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Monday. November 28th, 2016
Mỹ Latinh: Gia tăng giá trị cá rô phi xuất khẩu vào thị trường Mỹ Mỹ Latinh: Gia tăng giá trị cá rô phi xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Khi các nước châu Á và Mỹ Latinh tiếp tục tăng sản lượng cá rô phi, gia tăng giá trị của cá là một cách tiếp cận kinh tế chiến lược nhằm thu hút người tiêu dùng

Monday. November 28th, 2016