Cá Tra Lóp Ngóp
Đã hết 7 tháng của năm 2013 nhưng ngành cá tra vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi xuất khẩu giảm, người chăn nuôi lỗ. Thực trạng này đòi hỏi nhà nước phải có chính sách và quy hoạch phù hợp.
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL - vùng nuôi cá tra chủ lực của cả nước - đang dao động ở mức rất thấp, từ 18.500 đồng đến 20.200 đồng/kg. Như vậy, người nuôi cầm chắc lỗ ít nhất 3.000 đồng/kg.
Lỗ triền miên, không biết bán cho ai!
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2013, ĐBSCL thả nuôi 4.341 ha (giảm 4,1% so với cùng kỳ), sản lượng đạt 545.718 tấn (tăng 2,3%). Một số địa phương trọng điểm nuôi cá tra có diện tích giảm nhiều là An Giang 846 ha (giảm 3%), Cần Thơ (746 ha, giảm 5,1%), Vĩnh Long (434 ha, giảm 10,6%)…
Do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, cụ thể: giá thức ăn (tăng từ 300 - 500 đồng/kg), thuốc thú y (tăng bình quân 10%), xăng dầu cũng vừa trải qua 2 đợt tăng giá mạnh… đã đẩy giá thành sản xuất lên từ 20.000 - 24.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua của các nhà máy cũng dao động bằng hoặc thấp hơn giá thành nên người nuôi lỗ khoảng 3.000 đồng/kg. Những hộ nuôi nhỏ lẻ vì quá khó khăn nên đã “treo ao”.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, tỉnh An Giang - chán nản: “Trước đây, nuôi cá tra có lãi từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, còn hiện giờ chỉ biết lỗ ít hay nhiều mà thôi. Lỗ lã hoài như vậy thì ngân hàng nào dám cho nông dân vay vốn vì sợ rủi ro. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, tôi phải bán 8,5 ha đất (bao gồm ao nuôi cá tra) để trả nợ nhưng vẫn chưa đủ”.
Cũng theo ông Nguyên, HTX nơi ông làm chủ nhiệm có 16 xã viên và đang thả nuôi 41 ha. Các xã viên chuẩn bị thu hoạch 10 ha diện tích cá tra với sản lượng khoảng 5.000 tấn. Nếu doanh nghiệp (DN) mua với giá 19.000 đồng/kg thì xã viên chịu lỗ 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa biết bán cho ai.
Còn theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu An Giang (AFA), trong tình hình đang khó khăn chung, rất khó cho nông dân có vốn để đầu tư thả nuôi mới trong khi có nhiều DN đi thuê ao trong dân cũng không dám thả cá vì thị trường xuất khẩu vẫn còn khá ảm đạm. Do đó, nếu nông dân cứ tiếp tục đầu tư nuôi cá tra sẽ lâm nợ vì lỗ.
“Tự xử”
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, không chỉ người nuôi mà DN ngành cá tra cũng đang gặp khó. Các DN xuất khẩu cá tra cho biết đang chịu áp lực rất lớn vì phải vay vốn ngắn hạn để đầu tư cho trung và dài hạn. Rồi vì trả nợ cho nguồn vốn vay ngắn hạn nên nhiều DN buộc phải bán tháo sản phẩm với giá rẻ để sớm thu hồi vốn, quay vòng đầu tư cho các mục tiêu khác hoặc tự chủ vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, có DN còn cạnh tranh giá bán bằng cách giảm chất lượng hàng hóa thông qua kỹ thuật chế biến như quay tăng trọng hoặc mạ băng. Hậu quả là bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ.
Về vấn đề này, ông Lê Chí Bình cho rằng nhà nước nên có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các DN bán phá giá trên các thị trường xuất khẩu truyền thống và cả những thị trường tiềm năng; phải sàng lọc, DN nào gắn kết với nông dân mới được hưởng chính sách hỗ trợ chứ không nên làm dàn trải như thời gian vừa qua.
“Chúng ta không thể chấp nhận việc DN ép giá nông dân khi nguồn nguyên liệu dồi dào, khi thì than thiếu vốn do xuất khẩu khó khăn hoặc cứ bán phá giá nhau chỉ vì lý do hàng tồn kho nhiều… Trước mắt, thị trường Mỹ đang bão hòa, thị trường EU thì cũng chưa có gì khởi sắc. Do đó, rất khó kéo giá cá tra xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2013” - ông Bình nhận định.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang), đề xuất: “Chính phủ nên có chính sách để kiểm soát sản lượng, giải quyết được giá cho ngành cá tra. Đồng thời, cần nắm lại nhu cầu thế giới để có quy hoạch theo mục tiêu: Sản xuất ít nhưng chất lượng và có lãi cho nông dân và DN”.
Giảm thuế thức ăn chăn nuôi
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các hộ nuôi và DN phải có hợp đồng chặt chẽ với nhau để tránh tình trạng ép giá cũng như bảo đảm về chất lượng. Bên cạnh đó, cần xây dựng giá sàn mua cá nguyên liệu cũng như xuất khẩu để vừa bảo đảm người nuôi có lãi, DN không còn chuyện bán phá giá.
“Nhà nước không nên hỗ trợ tràn lan đối với những DN làm ăn không hiệu quả hoặc đầu tư không đúng mục đích. Chúng ta cũng không nên lãng phí khi chi hàng ngàn tỉ đồng để “cứu” những DN không có hợp đồng nguyên liệu với nông dân hoặc hợp đồng xuất khẩu. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị không thu thuế GTGT 5% đối với thức ăn chăn nuôi để các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ bớt gánh nặng” - ông Thắng nói.
Có thể bạn quan tâm
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái bước đầu được người chăn nuôi đánh giá là hiệu quả nhất so với các phương pháp nuôi truyền thống về việc xử lý mùi hôi và hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ quan nào có thể mạnh dạn trả lời cho câu hỏi: “Nên hay không nên nhân rộng mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái?”.
Cà phê là cây trồng chủ lực, đưa lại thu nhập chính cho người dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện nay, vườn cà phê tại Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già cỗi cần được tái canh. Để thực hiện việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn...
Người dân nuôi cá điêu hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp) rất phấn khởi vì chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, cá điêu hồng liên tục tăng giá từ 28.000 đồng/kg lên 34.000 đồng/kg và giá đang tiếp tục tăng, hiện đang ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg (loại 2 con/kg trở lên). Với mức giá này, người nuôi cá điêu hồng sẽ đạt lợi nhuận trên dưới 10.000 đồng/kg.