Cá Tra Càng Xuất Nhiều Càng Lỗ
Mặc dù đã về đích sớm hơn một tháng, nhưng các nhà máy thủy sản không đủ nguyên liệu, chỉ hoạt động 40 - 50% công suất, còn công nhân thì thiếu việc làm giảm thu nhập, trong khi đơn đặt hàng lại tăng cao.
Số hộ bán cá đếm trên đầu ngón tay
11 tháng qua, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 487.700 tấn phi lê, tăng 28% so cùng kỳ năm 2010, đạt 1,47 tỷ USD, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính đến cuối tháng 11/2011, diện tích nuôi cá tra đạt 5.306 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 990.909 tấn.
Từ ngày 20/10 đến nay giá cá tra liên tục tăng, từ 26.000 đến 28.500 đồng/kg. Hiện giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL loại 1 dao động từ 28.000 – 28.500 đồng/kg, tăng từ 1.000 – 1.500 đồng/kg so với đầu tháng 10, trong khi giá thành sản xuất chỉ khoảng 24.500 – 25.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 1.500 - 3.500 đồng/kg.
Giá cá tăng mạnh nhưng số hộ có cá bán lại ít đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay, đã kéo các nhà máy chế biến thủy sản vào vòng xoáy tranh mua, tranh bán cá nguyên liệu.
Còn theo các doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp nào càng xuất nhiều càng lỗ, vì giá cá trong nước tăng mạnh trong khi giá cá phi lê xuất khẩu lại chỉ tăng nhẹ. Bởi trước đây, phi lê cá tra xuất khẩu vào thị trường châu Âu bình quân từ 3,4 - 3,5 USD/kg, nay chỉ còn 3,1 - 3,3 USD/kg; thị trường châu Á hiện khoảng 3,1 - 3,2 USD/kg và thị trường Mỹ là 3,4 - 3,6 USD/kg.
Mặc dù diện tích, sản lượng cá nuôi trong năm 2011 ở ĐBSCL đều đạt và vượt kế hoạch nhưng vẫn không đủ phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp, do nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng cao.
Tại Đồng Tháp, tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra lớn nhất ĐBSCL, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2011, UBND tỉnh giao chỉ tiêu sản xuất là 300.000 tấn, giá trị xuất khẩu là 320 triệu USD. Đến nay, Đồng Tháp đã thu hoạch trên 826 ha mặt nước, với tổng sản lượng trên 314.480 tấn cá nguyên liệu, đạt 104, 83%, vượt kế hoạch 4,83%.
10 tháng các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu trên 332 triệu USD. Ước sản lượng năm nay sẽ vượt chỉ tiêu khoảng 30.000 tấn, dự báo cả năm Đồng Tháp có thể xuất khẩu vượt 390 triệu USD.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, trong 10 tháng đầu năm, tỉnh này đã thu hoạch được 237.300 tấn cá, tăng so với kế hoạch đề ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, diện tích nuôi cá tra toàn thành phố năm 2011 đạt khoảng 900 ha, tăng 14,4% so với cùng kỳ, đến tháng 11/2011, Cần Thơ đã thu hoạch đạt trên 157.400 tấn, tăng 0,3% so với kế hoạch.
Đổi mới quản lý
Theo ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Hùng Vương, những ngày qua giá cá tra nguyên liệu biến động từng ngày. Nguyên nhân là do áp lực từ ngân hàng, người dân nôn nóng bán đồng loạt khi cá tới lứa.
Hơn nữa, năm nay con giống thả nuôi bị hao hụt trên 50% và do lãi suất ngân hàng cao, ảnh hưởng đến việc đầu tư cho vùng nuôi. Tình hình đó dẫn tới thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu.
Nếu phân tích sâu hơn hiện tượng nói trên thì có thể thấy, chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể về vốn cho nuôi và tiêu thụ cá tra khiến lúc thừa, lúc thiếu.
Thừa, thiếu cá nguyên liệu là tình trạng cục bộ, thừa lúc nông dân thả đồng loạt và thu hoạch đồng loạt, khi qua đợt thì lại rơi vào tình trạng thiếu. Muốn có lứa cá tra trong tháng 11 này nông dân phải thả nuôi vào các tháng 2 và 3, nhưng các tháng này không có cá giống nên bị thiếu cá nguyên liệu là đương nhiên. 1 lứa cá từ thả nuôi đến thu hoạch là từ 8 – 9 tháng đôi khi 10 tháng. Do vậy tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ kéo dài cho tới đầu năm 2012.
Hiện nay, trong số 100 doanh nghiệp nhỏ có đến 70% đang hoạt động cầm chừng do thiếu cá nguyên liệu. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy rất khó đảm bảo 100% công nhân có mức lương, thưởng thoả đáng. Riêng công ty Hùng Vương dù có vùng nuôi riêng cũng chỉ cung cấp khoảng 60 – 70% nhu cầu của nhà máy.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Diệp Kỉnh Tần cho biết, Việt Nam mới có khoảng 6.000 ha mặt nước nhưng đạt 1 triệu tấn cá, vẫn có thể tăng diện tích lên nhưng nuôi nhiều lại không tiêu thụ được, trong khi các nhà máy than thiếu nguyên liệu.
Do vậy, liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, thị trường là vấn đề mà các ngành chức năng ở Trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quan tâm sửa đổi.
Related news
Trước tình trạng hàng trăm ha mía của nông dân đã chín và tới kỳ thu hoạch, nhưng chưa được Nhà máy đường Phổ Phong thu mua, khiến những diện tích trên đang đứng trước nguy cơ mất mùa do nắng nóng, mía trổ cờ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo việc thu mua mía.
Trong khi người trồng lúa đang như ngồi trên lửa vì giá lúa rớt thê thảm, thì người trồng bắp (ngô) ở ĐBSCL đang có lợi nhuận khá cao, ngay trên những mảnh đất trước đây từng là đất lúa.
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.