Giá / Mô hình kinh tế

Cá Tầm Nhập Lậu Sắp “Bóp Chết” Sản Xuất Trong Nước

Cá Tầm Nhập Lậu Sắp “Bóp Chết” Sản Xuất Trong Nước
Tác giả: 
Ngày đăng: 09/07/2013

Hiện nay, tình trạng nhập lậu cá tầm từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào nước ta ngày càng nhiều. Cá tầm nhập lậu giá rất rẻ khiến các doanh nghiệp (DN) nuôi và chế biến cá tầm trong nước không thể cạnh tranh nổi.

Nếu các ngành chức năng không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, chỉ một thời gian nữa, ngành nuôi cá tầm Việt Nam sẽ chết yểu. Đây là nhận định trong cuộc họp của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam và Hiệp hội Cá nước lạnh vừa tổ chức sáng ngày 7-7.

Cá tầm nuôi đúng quy trình tại Việt Nam phải mất 16 tháng, trong khi đó cá tầm ở Trung Quốc chỉ mất từ 5 đến 6 tháng là có sản phẩm để bán. Ảnh: Sĩ Lực

Theo Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam, trung bình mỗi ngày có từ 3 đến 5 tấn cá tầm nhập lậu từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh qua sân bay Tân Sơn Nhất với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá bán của các DN nuôi trong nước. Cụ thể, giá bán chỉ khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất trong nước và tiêu thụ trên thị trường nội địa tới hơn 200.000 đồng/kg.

Tại hội nghị, Hiệp hội và các DN sản xuất cá tầm trong nước đều khẳng định không có đơn hàng nào vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không nên chắc chắn cá tầm vận chuyển qua loại hình vận tải này thời gian qua đều là hàng lậu. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ nuôi và cung cấp cho thị trường được 1.000 tấn/năm, do đó, mỗi năm có khoảng từ 4.000 đến 5.000 tấn cá tầm nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch đều là nhập lậu.

Ông Trần Yên - Giám đốc Công ty CP Nuôi trồng thủy sản Tây Bắc (Lào Cai) cho biết, hiện nay tại miền Bắc chỉ duy nhất có Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là đơn vị cung cấp trứng cá tầm cho các DN nuôi. Từ năm 2007 đến nay, cả Việt Nam mới chỉ cấp được khoảng 63kg trứng cá tầm nên hàng chục tấn cá tiêu thụ trong một ngày đều là nhập lậu.

Theo ông Yên, ngay tại Lào Cai đã có một công ty chuyên nhập lậu giống cá tầm theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về nuôi tại Việt Nam và đưa cả người Trung Quốc vào cùng nuôi với số lượng lớn và không ai dám chắc sản phẩm này không chứa hóa chất ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Trên thực tế, cá tầm nuôi theo công nghệ của Trung Quốc chỉ từ 5 đến 6 tháng là đưa đi tiêu thụ được trong khi các DN Việt Nam nuôi đúng quy trình phải mất 16 tháng mới có sản phẩm để bán.

Cùng chung nhận định này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cá tầm Việt Nam Lê Anh Đức cho biết, thời gian qua, chưa có cơ quan chức năng nào lấy mẫu để kiểm tra về mức độ kháng sinh còn tồn tại trong sản phẩm cá tầm. Việc làm này đối với DN là quá sức vì để đưa ra 127 mẫu xét nghiệm có sử dụng chất tăng trọng trong sản phẩm phải mất hàng tỷ đồng.

Truy xuất nguồn gốc

Theo Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu, nếu như Việt Nam không kiểm soát được tình trạng cá tầm nhập lậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các DN nuôi trong nước. Để từng bước giải quyết vấn đề này, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, cho nhập theo đường chính ngạch để kiểm soát về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và thu thuế, từng bước triệt tiêu lợi ích nhóm của một số DN làm ăn phi pháp.

Thực tế, khi không kiểm soát được chất lượng cá tầm bán trên thị trường, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với sản phẩm thì người "chết" chính là các DN trong nước. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, theo dõi và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm này trên thị trường, đồng thời làm chặt công tác kiểm tra thú y tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam Trần Văn Hào cho rằng, để ngăn chặn cá tầm nhập lậu, ngoài việc tăng cường kiểm soát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm bảo đảm chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nếu như các ngành chức năng không vào cuộc quyết liệt thì ngành nuôi cá tầm trong nước mới phát triển được vài năm sẽ chết dần và hàng nghìn người lao động nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc mất việc làm. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.


Có thể bạn quan tâm

Kết Quả Bước Đầu Nuôi Gà Đông Tảo Ở Châu Thành (Bến Tre) Kết Quả Bước Đầu Nuôi Gà Đông Tảo Ở Châu Thành (Bến Tre)

Vào tháng 8-2012, Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre thực hiện đề tài “Du nhập và nuôi thích nghi gà Đông Tảo tại Bến Tre”. Huyện Châu Thành được hỗ trợ 4 mô hình: 2 mô hình nuôi gà Đông Tảo lai và 2 mô hình nuôi gà Đông Tảo thuần tại xã Sơn Hòa và Tam Phước.

09/07/2013
Sản lượng thủy sản khai thác ở Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn Sản lượng thủy sản khai thác ở Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn

Từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc vươn khơi bám biển, nên sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 16.170 tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác cá ngừ đại dương đạt hơn 470 tấn, tăng gần 3,5%.

09/07/2013
Đến Chợ Vải Thiều Lớn Nhất Nước, Ngẫm Về Đầu Ra Nông Sản Đến Chợ Vải Thiều Lớn Nhất Nước, Ngẫm Về Đầu Ra Nông Sản

Theo chân ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), qua chợ vải thiều những ngày cuối vụ, cảnh mua bán đã không còn tấp nập như vài ngày trước. Người viết muốn tìm mua một chùm vải thiều VietGap loại 1 để thưởng thức cũng thật khó, bởi thương lái đã bao tiêu toàn bộ lượng vải ở chợ cho đến cuối vụ.

09/07/2013