Prices / Tin thủy sản

Cá rô đầu vuông: Dễ nuôi, dễ bán

Cá rô đầu vuông: Dễ nuôi, dễ bán
Author: Việt Quang - Báo Quảng Nam
Publish date: Monday. May 15th, 2017

Từ chỗ nuôi ghép với cá trê, đến nay, cá rô đầu vuông đã được các nông hộ trên địa bàn thị xã Điện Bàn nuôi riêng biệt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả cao

Những ngày qua, gia đình ông Lê Văn Nuôi (thôn La Trung, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) chăm sóc kỹ hơn cho hồ cá rô đầu vuông. Chỉ còn vài ngày nữa là ông Nuôi sẽ xuất bán cá theo thỏa thuận từ trước. “Cá rô đầu vuông có nguồn gốc từ cá rô đồng, dễ nuôi. Tôi thả nuôi cá từ tháng 1, đến tháng 5 này là xuất bán. Đầu ra ổn định, cá đạt trọng lượng như đã cam kết nên thương lái đến là đồng loạt thu hoạch” - ông Nuôi nói. Trên diện tích 2.000m2, gia đình ông Nuôi thả nuôi 20 nghìn con cá rô đầu vuông. Theo tính toán của ông Nuôi, tổng lượng cá nuôi đạt 4 tấn. “Tôi có thâm niên nuôi nhiều loài cá nước ngọt. Các loại cá nuôi trước đây không có ưu thế bằng cá rô đầu vuông này. Hiệu quả thu được sẽ rất cao, doanh thu đạt gần 150 triệu đồng” - ông Nuôi nói.

Đây là vụ thứ 2, ông Nuôi nuôi cá rô đầu vuông. Cuối năm 2016, ông Nuôi thu hoạch được 2 tấn cá rô đầu vuông khi đầu tư hơn 1.000m2 diện tích. Với giá bán 40 nghìn đồng/kg, ông Nuôi thu được 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Rút kinh nghiệm vụ trước, thả cá đại trà trong ao nuôi khiến thức ăn hao hụt nên ở vụ này tôi bố trí riêng từng lồng nuôi cá. Nhờ thức ăn không rơi vãi, cá nuôi chóng lớn nên tổng trọng lượng thu được cao hơn trước. Trong vụ tới, tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi cá rô đầu vuông lên gấp đôi, chuyển toàn bộ ao nuôi cá trắm cỏ, cá chép, cá mè sang đối tượng này”, ông Nuôi cho biết thêm. Cũng ở thôn La Trung, gia đình bà Trần Thị Bảy đang đầu tư nuôi cá rô đầu vuông trên ao nuôi có diện tích 1.000m2. “Mọi người bảo trung bình 4 - 5 con được 1kg cá nhưng tôi nuôi cá lớn rất nhanh, đạt 3 con/kg. Với giá bán 40 nghìn đồng/kg thì chúng tôi thu được cỡ 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí” - bà Bảy chia sẻ.

Theo bà Phan Thị Minh Nguyệt - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Điện Thọ, cách đây 2 năm, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn triển khai thí điểm mô hình nuôi ghép cá rô đầu vuông với cá trê tại thôn La Trung. Kết quả thu được khả quan đã khiến cho nhiều nông hộ đến học hỏi. Khi mô hình được nhân rộng, nông hộ chỉ chuyên tâm nuôi riêng biệt cá rô đầu vuông. Điều đặc biệt là các nông hộ đều bố trí nhiều lồng trong mỗi ao nuôi để tiện theo dõi, cho ăn và thu hoạch. “Nuôi cá rô đầu vuông riêng biệt đem lại hiệu quả cao hơn nuôi ghép. Nuôi cá trong lồng đem lại giá trị kinh tế cao hơn nuôi đồng loạt trong ao rộng lớn” - bà Nguyệt nói.

Nuôi theo vùng

Ông Lê Hữu Ái - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho rằng, cá rô phát triển rất tốt trong điều kiện tự nhiên thì cá rô đầu vuông càng dễ nuôi trong điều kiện được quản lý chặt chẽ. Trước khi nuôi, các nông hộ đều cải tạo ao nuôi kỹ càng, hỏi mua cá giống ở những địa chỉ tin cậy. Đặc biệt, nhờ được tập huấn bài bản nên nông hộ yên tâm vận dụng kiến thức vào sản xuất. “Trên địa bàn xã, tổng cộng 41 hộ nuôi cá nước ngọt thì có 15 hộ chuyên nuôi cá rô đầu vuông. Thế nhưng, chênh lệch giữa diện tích nuôi cá nước ngọt với cá rô đầu vuông rất lớn, là 3/15ha. Từ chỗ dễ nuôi, dễ thu hoạch, dễ bán nên chúng tôi khuyến khích các nông hộ có sự chuyển đổi phù hợp sang đối tượng mới này để thu được giá trị kinh tế cao hơn” - ông Ái nói.

Ông Phạm Thành Chung - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn cho biết, từ thành công bước đầu ở xã Điện Thọ, ngành khuyến ngư đã đề xuất Phòng Kinh tế tham mưu UBND thị xã Điện Bàn nhân rộng mô hình này ở một số khu vực nuôi cá phù hợp. “UBND thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo ngành khuyến ngư tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá rô đầu vuông, ngân sách hỗ trợ 70% vốn, nông dân đối ứng 30%. Trước mắt, triển khai ở xã Điện Hòa, sau đó có thể tính đến xã Điện Tiến, Điện Thắng Nam” - ông Chung nói. Để tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”, ông Chung cho rằng, chỉ triển khai ở một số khu vực trọng điểm, nuôi theo vùng. Các diện tích nuôi cá rô đầu vuông phải được tập trung lại, sản xuất hàng hóa, đáp ứng thị trường chứ không đầu tư tràn lan, nhỏ lẻ, người nuôi có thể bị động và bị ép đầu ra” - ông Chung nói.

>> Theo bà Lê Thị Triết - cán bộ phụ trách khuyến ngư của Trạm khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn, cá rô đầu vuông là loài ăn tạp, thức ăn thiên về động vật, gồm sinh vật phù du, tôm, tép, cá con. Tuy nhiên, người nuôi có thể tận dụng cám gạo, bánh dầu, bột bắp để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cá nuôi. Khi nuôi cá thâm canh, thức ăn công nghiệp dùng cho cá có độ đạm 28 - 35%, hệ số thức ăn là 1,4, ít hơn so với các đối tượng nuôi cá nước ngọt khác nên chi phí thấp, tốc độ sinh trưởng nhanh gấp 3 - 4 lần so với cá rô đồng. “Cá rô đầu vuông có khả năng chống chịu tốt với môi trường sống khắc nghiệt trong thời gian dài. Đối tượng này rất được chuộng ở các nhà hàng đồng thời là nguồn thực phẩm tốt trong bữa cơm gia đình. Vì thế, chúng tôi khuyến khích nông hộ đầu tư nuôi cá rô đầu vuông” - bà Triết nói.


Related news

Để nuôi tôm thâm canh bền vững Để nuôi tôm thâm canh bền vững

Ngày 5/5, tại Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Bạc Liêu tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm

Monday. May 15th, 2017
Cá tra chưa thể thoát khó Cá tra chưa thể thoát khó

2017 tiếp tục được dự báo là một năm nhiều khó khăn cho ngành cá tra của Việt Nam, nhất là khi nhiều thị trường tiếp tục lập hàng rào thương mại để

Monday. May 15th, 2017
Nhiều bất cập trong nuôi nhuyễn thể Nhiều bất cập trong nuôi nhuyễn thể

Nhiều hộ nuôi đã sử dụng giống không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi, làm phát sinh dịch bệnh.

Monday. May 15th, 2017