Giá / Mô hình kinh tế

Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Rạng, Cá Chết Hàng Loạt, Người Nuôi Điêu Đứng

Cá Nuôi Lồng Bè Trên Sông Rạng, Cá Chết Hàng Loạt, Người Nuôi Điêu Đứng
Tác giả: 
Ngày đăng: 04/06/2012

Hai ngày qua, hàng loạt bè cá nuôi trên sông Rạng (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) bị chết trắng. Hàng trăm hộ nuôi bị thiệt hại tiền tỉ, thậm chí có vài hộ thiệt hại lên đến 10 tỉ đồng, phải đối diện với nợ nần và nguy cơ phá sản.

TIỀN TỈ ĐỔ SÔNG

Những ngày qua, đi dọc theo dòng sông Rạng trên những khu vực nuôi cá lồng bè, chúng tôi khó chịu bởi mùi hôi thối của hàng trăm tấn cá chết không kịp xử lý. Nhiều chủ hộ chẳng thể “cất nổi bước chân” để thực hiện các công việc vệ sinh, xử lý lồng bè của mình, nỗi buồn trải khắp làng nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, một chủ bè cá quy mô lớn ở khu vực này cho biết, cách đây vài hôm, khi con nước thủy triều xuống thấp, ông phát hiện cá trong lồng nuôi có biểu hiện sốc nặng, vùng vẫy ngoi lên khỏi mặt nước, sau đó chết rải rác. Chỉ hơn 1 ngày sau, toàn bộ gần 50 tấn cá thịt (16 tấn cá bóp, 25 tấn cá chim, 6 tấn cá mú) đến giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và 165.000 cá giống 1 tuần tuổi của ông Hoàng đã bị chết hết. Tính theo giá hiện nay, ông Hoàng mất trắng 10 tỉ đồng.

Nhiều chủ bè đã làm mọi cách nhằm cứu vãn tình hình nhưng đều vô vọng, bởi cá chết rất nhanh. Bà Lê Thị Kim Cúc, một chủ bè cá hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá ở khu vực này cho biết, khi nhận thấy cá có biểu hiện sốc nặng bà liền bơm hỗ trợ khí oxy vào bè để hy vọng cải thiện tình hình nhưng không có kết quả và “cá vẫn chết trắng lồng, chưa đầy 2 ngày, gần 10 tỉ đồng đổ xuống con sông này” - bà Cúc rầu rĩ nói.

Trong tình thế này, một số chủ bè cá như ông Lương Văn Hà, ông Lý Bửu Hồi, ông Lê Văn Lợi… đã dời bè qua sông Rạch Chanh (xã Tân Hòa, huyện Tân Thành) “lánh nạn” và đã cứu vớt được 20% số cá còn lại, tuy nhiên, với số lượng cá chết như vậy, các hộ này cũng thiệt hại vài tỉ đồng. Ông Hoàng cho biết, giai đoạn này là thời điểm cá đang chuẩn bị thu hoạch, các chủ bè cũng đã dồn hết vốn liếng đầu tư và thậm chí nhiều hộ đã thả cá giống gối đầu cho vụ tiếp, do vậy, khi cá chết giai đoạn này gần như các chủ bè hết vốn. “Đợt này chắc nhiều người phá sản” - ông Hoàng cay đắng nói.

DO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG?

Hầu hết những người nuôi cá bè ở đây khẳng định, nguyên nhân cá chết là do môi trường sông Rạng bị ô nhiễm nặng, khi cá chết có biểu hiện sốc nặng như ngoi lên hoặc vùng vẫy lên khỏi mặt nước và sau đó chết rất nhanh. Các loài cá tầng mặt hoạt động nhiều như cá bóp, cá chim trắng chỉ chưa đầy 2 ngày là chết toàn bộ, sau đó là cá mú, tôm kẹt… Khi dời bè ra khỏi vùng sông Rạng, cá hồi phục và ăn mồi trở lại.

Quan sát biểu hiện cá chết, các cán bộ Khuyến nông – Khuyến ngư cũng cho rằng, nguyên nhân là do môi trường ô nhiễm. Bởi nếu cá bị bệnh do ký sinh trùng thì lác đác mới chết một vài con, trường hợp bị bệnh do vi khuẩn gây ra tỉ lệ cá chết tăng dần trong thời gian dài. Còn “khi bị ngộ độc môi trường cá chết rất nhanh trong vòng 1 đến 2 ngày” - một kỹ sư nhận định. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất là di chuyển bè cá đến nơi khác, bởi khi nuôi cá lồng bè không thể cô lập môi trường để thay nước xử lý như những hình thức nuôi trong ao.

Bà Cúc cùng những người nuôi cá ở đây cho rằng, vài năm gần đây, khi các nhà máy chế biến hải sản khu vực Tân Hải hoạt động, thỉnh thoảng vùng nuôi sông Rạng và những khu vực lân cận bị ô nhiễm nặng, người nuôi cá luôn đối mặt với khó khăn và thiệt hại rất nhiều. “Các nhà máy chế biến hải sản là thủ phạm chính làm chết cá của chúng tôi. Đã nhiều lần người dân phản ảnh đến các cơ quan chức năng, nhưng tình hình vẫn không cải thiện” - bà Lê Thị Kim Cúc bức xúc nói.

Có thể bạn quan tâm

Kế Hoạch Thúc Đẩy Lĩnh Vực Nông - Lâm - Ngư Nghiệp Của Nhật Bản Kế Hoạch Thúc Đẩy Lĩnh Vực Nông - Lâm - Ngư Nghiệp Của Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua kế hoạch hành động 5 năm và chính sách cơ bản nhằm thúc đẩy lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp thông qua mô hình canh tác quy mô lớn. Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng trong Nội các ở thủ đô Tôkyô ngày 25/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nói: “Chính phủ cần phải dồn toàn bộ sức lực vào việc xây dựng các quan hệ đối tác kinh tế cấp cao phù hợp với việc vực dậy các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp”.

04/06/2012
Việt Nam Làm GAP Ngược Quy Trình Việt Nam Làm GAP Ngược Quy Trình

Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường nông sản, cần nghiên cứu thị trường trước khi thực hiện sản xuất và minh bạch hệ thống phân phối sản phẩm.

04/06/2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình “Ruộng Lúa Bờ Hoa” Hiệu Quả Từ Mô Hình “Ruộng Lúa Bờ Hoa”

Việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa đã và đang gây nguy hại nghiêm trọng đối với môi trường và cả sức khỏe của con người. Trước tình trạng này, ngày càng có nhiều địa phương ở Nam Bộ ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá hại lúa. Công nghệ thân thiện và hiệu quả này có một cái tên khá dân dã và lãng mạn: đó là mô hình ruộng lúa bờ hoa.

04/06/2012