Prices / Tin thủy sản

Cá ngừ và bước chuyển mình ngoạn mục

Cá ngừ và bước chuyển mình ngoạn mục
Author: Vũ Đình Thung
Publish date: Wednesday. July 24th, 2019

Cá ngừ đại dương là một trong những đối tượng khai thác xa bờ chủ lực, sản lượng hàng năm rất lớn, thế nhưng, phải đến khi Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi được triển khai, giá trị mặt hàng này mới được nâng lên rõ rệt.

Cá ngừ đại dương là đối tượng khai thác chính của nghề khai thác hải sản xa bờ  

Những thay đổi lớn

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cá ngừ đại dương (CNĐD) được xác định là một trong những đối tượng khai thác chính của nghề khai thác hải sản xa bờ và là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Do đó, sau gần 2 thập kỷ gần đây, Chính phủ đã dành nhiều chính sách ưu đãi trong khai thác và xuất khẩu CNĐD. Trong 5 năm thực hiện Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng CNĐD tăng trưởng ngoạn mục.

“Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, sản lượng khai thác CNĐD tăng trưởng bình quân 6%/năm và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng 7%/năm. Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện xuất khẩu sang 210 thị trường trên thế giới. Ngành hàng cá ngừ đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn cư dân các làng chài ven biển miền Trung, tạo nguồn thu ngoại tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các khu vực ven biển” - ông Nguyễn Quang Hùng cho biết.

Tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 47.870 tàu cá hoạt động khai thác CNĐD; trong đó, nghề câu có 15.806 chiếc, nghề lưới vây 4.922 chiếc, nghề lưới rê 27.142 chiếc; tập trung tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Cùng đó, sản lượng khai thác cá ngừ cũng tăng theo, từ 140.000 đến 170.000 tấn/năm. Trên khắp cả nước có 25 cảng cá phục vụ cho các hoạt động của các đội tàu khai thác CNĐD; hầu hết tại các cảng cá đều có cơ sở thu mua cá ngừ; năm 2018, trên địa bàn cả nước có khoảng 185 cơ sở thu mua CNĐD, tăng gần gấp 6 lần so năm 2014. Bên cạnh đó, số cơ sở, doanh nghiệp có hoạt động chế biến và xuất khẩu cá ngừ cũng tăng mạnh. Năm 2018, cả nước có 60 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động chế biến và xuất khẩu cá ngừ, tăng gấp 4 lần so trước khi thực hiện Đề án; sản phẩm xuất sang các thị trường lớn tiêu thụ lớn như: Mỹ, Israel, Nhật Bản, EU, ASEAN.

Tăng hiệu quả từ liên kết

Tính đến năm 2018, trên địa bàn 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã triển khai tổ chức thực hiện được 9 mô hình liên kết khai thác CNĐD theo chuỗi. Trong đó, Bình Định có 4 mô hình, Phú Yên 2 mô hình và Khánh Hòa 3 mô hình. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, từ 2015 - 2017, Bình Định đã triển khai Dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu CNĐD. Kết quả cho thấy, ngư dân đã vận hành thiết bị, công nghệ Nhật và ứng dụng vào sản xuất, nhờ đó giảm sức lao động cho ngư dân (giảm 1 lao động/tàu), nâng cao chất lượng cá ngừ, tăng hiệu quả. Từ kết quả của dự án, Sở đã xúc tiến lập hồ sơ cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định” đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và được cấp nhãn hiệu vào tháng 6/2018.

Được biết, tại Bình Định nổi lên mô hình liên kết giữa các tàu với nhau từ công đoạn khai thác đến bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Đội tàu gồm 16 chiếc do lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) “cầm trịch”; thực hiện đánh bắt và luân phiên vận chuyển cá vào bờ tiêu thụ theo sự phân công của chủ đội tàu. Chủ đội tàu nắm bắt thông tin khai thác qua hệ thống thông tin liên lạc trên bờ, chỉ đạo việc đánh bắt, sắp xếp việc vận chuyển cá vào bờ và cung cấp nhiên liệu cho các tàu khai thác. Cùng đó, theo dõi giá cả sản phẩm qua hệ thống liên lạc, sau đó cung cấp địa chỉ đại lý thu mua gí tốt nhất để đội tàu của mình bán sản phẩm. Chủ đội tàu khuyến khích các thuyền viên góp vốn vào tàu mình đang đi và cùng chia phần lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. “Thu nhập các thành viên trong đội tàu phụ thuộc vào kết quả khai thác của tàu mình và có sự dung hòa thu nhập của cả đội tàu. Tàu có sản lượng cao sẽ san sẻ một phần thu nhập với tàu đánh bắt sản lượng thấp và cân đối thu nhập cho các thuyền viên trên toàn đội tàu. Ngoài ra, để khuyến khích tinh thần cho thuyền viên, chủ tàu cho các thuyền viên được hưởng các sản phẩm do thuyền viên câu được như mực xà, cá dũa... sau khi thực hiện tốt các nhiệm vụ trên tàu”, ông Ninh cho hay.

Cần hạn ngạch khai thác

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Hùng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành hàng CNĐD của Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, nhất là việc tổ chức sản xuất vẫn mang tính truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, thiếu bền vững, có sức cạnh tranh thấp cả về giá bán lẫn chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, việc tăng cường hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, gia tăng các yêu cầu phi thuế quan từ các thị trường nhập khẩu như quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy định chống khai thác bất hợp pháp từ EC, yêu cầu khai thác an toàn đối với cá heo từ thị trường Mỹ… cũng tạo thêm khó khăn, thách thức đối với ngành hàng CNĐD của Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng CNĐD gồm chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn ngư dân vận hành các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm. Cùng đó, thực hiện theo các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường được các tổ chức độ lập chứng nhân như nhãn sinh thái MSC hoặc chứng nhận về quy trình sản xuất sản phẩm đầu vào VietGAP, GlobalGAP… đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, theo Tổng cục Thủy sản, việc quản lý hạn ngạch khai thác cá ngừ phải đảm bảo việc khai thác bền vững và ngư dân sẽ duy trì sinh kế lâu dài bền vững hơn. Đồng thời, ngư dân cần phải hiểu rõ việc cấp hạn ngạch khai thác với mục đích là bảo tồn và khai thác một cách bền vững nguồn lợi để duy trì sinh kế và đời sống của ngư dân.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu CNĐD của Việt Nam đạt khoảng 592,87 trệu USD, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2010, tăng hơn 1,3 lần so năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch mặt hàng này giai đoạn 2014 - 2018 đạt trên 7,7%/năm.


Related news

U80 nuôi cá nước ngọt thu tiền tỷ U80 nuôi cá nước ngọt thu tiền tỷ

Ở tuổi 80, ông Nguyễn Ngọc Pha say mê với nghề nuôi cá nước ngọt. Sở hữu hơn 8 ha diện tích mặt nước, mỗi năm trang trại của ông xuất bán ra thị trường 400 tấn

Wednesday. July 24th, 2019
Tăng cường chăm sóc tôm ngày nắng nóng Tăng cường chăm sóc tôm ngày nắng nóng

Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi tôm chú trọng có biện pháp phòng bệnh cho tôm, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống nóng cho tôm.

Wednesday. July 24th, 2019
Sử dụng muối trong nuôi trồng thủy sản Sử dụng muối trong nuôi trồng thủy sản

Muối thông thường (sodium chloride - NaCl) có sẵn ở nhiều nơi, an toàn cho cá và người sử dụng, đặc biệt, muối có chi phí khá rẻ.

Wednesday. July 24th, 2019