Cà Chua Sạch... Automatic
Không ai có thể ngờ, anh nông dân chân chất có cái tên rất hoa mỹ Nguyễn Văn Đẹp đã từng kinh qua nghề "gõ đầu trẻ", sau đó chuyên kinh doanh phụ tùng xe gắn máy. Anh chỉ mới "biến thành" nông dân hơn… 2 năm nay nhưng những "bô lão" nông dân hàng đầu tại vùng đất này cũng phải thán phục kỹ thuật trồng cà chua trong nhà lưới kỹ thuật cao của anh. Nhiều người nói, Đẹp mới vào nghề nông mà chẳng hiểu sao lại rất am hiểu về đất, độ ẩm, nhiệt độ, giống má…, cứ y như là nhà khoa học vậy!
Đến khi tiếp chuyện chúng tôi mới biết, Đẹp từng học ngành nông nghiệp của Trường Nông lâm súc Bình Dương trước 1975. Sau giải phóng, anh được đào tạo một khóa cấp tốc và trở thành giáo viên cấp 1, rồi chuyển sang nghề kinh doanh. Và cứ thế, bằng nông nghiệp anh từng say mê thời trai trẻ đành "bỏ xó", chưa có dịp phát huy.
Nhưng rồi cái máu nông nghiệp trong người Đẹp đã trỗi dậy khi một ngày nọ, có người bà con (Việt kiều) bên Úc về nước chơi bỗng tưng tửng khích Đẹp: "Bỏ kinh doanh, trồng cà chua đi, tôi sẽ hướng dẫn. Đảm bảo giàu nhanh…!". Hóa ra người này chuyên buôn bán vật tư nông nghiệp và thực hiện hướng dẫn canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao cho nông dân bên Úc.
Bức xúc trước cách làm nông nghiệp theo kiểu "con trâu đi trước cái cày theo sau" của nhiều bà con nông dân trong nước, vất vả mà hiệu quả không cao, đồng thời chưa đảm bảo VSATTP nên anh ta đã "nổi máu", đòi hướng dẫn bằng được cho người họ hàng Nguyễn Văn Đẹp.
Niềm ấp ủ nay có dịp khơi dậy, Đẹp đã rủ thêm người bạn Đào Thanh Cương học cùng trường Nông lâm súc Bình Dương lao vào "sân chơi" nông nghiệp từng làm "xiêu lòng" hai anh thời trai trẻ.
Phải đầu tư tới 400 triệu đồng cho 2.000m2 quả là số tiền lớn, ít có nông dân nào dám mạo hiểm. Tuy nhiên, với Đẹp và Cương thì họ lại nghĩ khác: "Số tiền lớn nhưng học được mô hình làm ăn mới rất hiệu quả và đã được chứng minh cụ thể tại nhiều nước tiên tiến. Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm sạch, an toàn. Vậy tại sao lại sợ khi đi vào lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao chứ?".
Dốc túi, dốc sức, dốc tâm cho dự án lớn này, Đẹp và Cương đã nhanh chóng học được kỹ thuật trồng rau, củ, quả kỹ thuật cao của những nông dân tiên tiến bên Úc. Kỹ thuật này gồm hai phần chính: thủy canh và nhà lưới. Thủy canh là phương pháp canh tác không cần đất, kết hợp với nhà lưới có chức năng điều chỉnh được nhiệt độ bên trong cho cây trồng (bằng hệ thống phun sương, mái che tự động, quạt gió trao đổi khí…).
Để cụ thể, hai người quyết định chọn cây cà chua làm bước khởi đầu biến lý thuyết thành…sản phẩm. Và khi thực hiện ngay vụ đầu tiên, Đẹp và Cương đã "ngơ ngẩn" người vì nhiều khi cứ phải "chơi" dài do tất cả đã được tự động hóa: Nếu nhiệt độ trong nhà lưới cao, máy lập tức cho phun sương làm dịu; nếu lượng phân bón quá biên độ cho phép sẽ được máy dẫn thêm nước điều hòa và dẫn vào từng bịch nilon có xơ dừa ủ gốc.
Cũng không có chuyện hai anh phải còng lưng tốn công, tốn sức cho việc bón phân, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu vì trong nhà lưới gần như tuyệt đối "miễn dịch" với côn trùng gây hại. Anh Đẹp cho biết: "Chỉ thực sự vất vả lúc đầu tư thiết kế nhà lưới, còn khi đã gieo trồng, chúng tôi chỉ làm mỗi việc theo dõi sự phát triển của cây và…đẩy xe thu hoạch, đem bán!".
Lời 1 tỷ đồng/ha/năm
Đó là khẳng định của hai "kiện tướng" nông dân Đẹp và Cương khi vụ trồng cà chua thứ 3 theo phương pháp kỹ thuật cao đang "hái" ra tiền cho họ. Ưu điểm có lợi nhất cho nông dân khi áp dụng kỹ thuật này là có thể thu hoạch sản phẩm trong suốt…6 tháng trời!
Sau 3 tháng theo dõi cây sinh trưởng (kể từ lúc gieo trồng), 6 tháng tiếp theo, ngày nào Đẹp và Cương cũng hái được 200 kg cà chua trên mảnh đất 2.000 m2 của mình và tiêu thụ sạch bách trong ngày. Tổng cộng 6 tháng hai anh thu được khoảng 36 tấn với giá bán trung bình 8.000đ/kg (cao gấp đôi giá cà chua bình thường), số tiền thu về đạt gần 300 triệu. Nếu trồng 1 ha, số tiền sẽ đạt khoảng 1,3 – 1,4 tỉ đồng, trừ chi phí sẽ lời ít nhất 1 tỉ đồng.
Thực ra, lợi nhuận qua thực tế sản xuất của Đẹp và Cương vẫn còn thua xa những nước tiên tiến. Tại Úc, cũng chỉ với 2.000 m2 trồng cà chua, nông dân nơi đây có thể thu hoạch tới 60 tấn (cao gần gấp 2 lần của Đẹp và Cương). "Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm để nâng năng suất lên cao nữa! Và khi đó, chỉ cần 1 năm thu hoạch tốt, người nông dân có thể thu lại vốn đầu tư" – anh Cương nói.
Có thể bạn quan tâm
Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.
Những năm qua, cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đã tranh thủ nhiều nguồn của các cấp hội, tạo mọi điều kiện để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Năm 2010, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa - Phú Yên) đã tiến hành nuôi thử nghiệm giống heo rừng lai với mục đích dùng sản phẩm thịt để nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ trong đồn. Cùng với việc phục vụ nhu cầu của đơn vị, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình này đã có hiệu quả kinh tế rõ rệt.