Giá / Mô hình kinh tế

Quy Luật 2 Xanh - 2 Vàng Trên Ruộng Lúa Năng Suất Cao

Quy Luật 2 Xanh - 2 Vàng Trên Ruộng Lúa Năng Suất Cao
Tác giả: 
Ngày đăng: 07/05/2011

Cây lúa không phải là cây rau. Rau thì cần xanh liên tục tức cần nhiều đạm để cho năng suất cao, trái lại cây lúa phần cần thu hoạch chính là hạt (chứ không phải là rơm), nếu không điều chỉnh bón phân cân đối, hợp lý nhất là bón thừa đạm vào cuối vụ (lúc lúa làm đòng trở đi) lúa sẽ giữ màu xanh liên tục sẽ dẫn đến mất cân đối (chỉ phát triển thân lá, bông hạt kém, nhiều sâu bệnh). Do vậy, một ruộng lúa muốn đạt năng suất cao thì bà con nông dân phải hiểu rõ quy luật 2 xanh, 2 vàng để điều khiển đúng quy luật

Xin giải thích như sau:

2vang 2xanh.jpg

 XANH 1: Lúc bắt đầu gieo: Rất cần chuẩn bị mặt bằng đồng ruộng tốt, chất lượng giống tốt, ngâm ủ nảy mầm trên 90% khi gieo xuống cây lúa sẵn sàng mọc trong điều kiện thuận lợi nhất để có màu xanh ngay khi ra lá đầu tiên gọi là XANH 1. Nếu vì lý do gì sau khi gieo xong, cây lúa không mọc nổi, thiếu nước, thiếu phân, bị sâu bệnh tấn công lá bị vàng, cây không mọc nổi là trái với quy luật.

 Cần giữ màu xanh của lúa trong giai đoạn XANH 1 cho đến cuối thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu (từ lúc gieo cho đến khoảng 30 ngày sau khi gieo). Lưu ý trong giai đoạn này nếu có sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4D chỉ nên áp dụng vào 2 thời kỳ: 15-18 ngày sau khi sạ (NSS) (trước lúc bón phân đợt 2) và 30-38NSS (sau khi lúa đã đẻ kín hàng) sẽ không làm tác hại lớn đến quy luật XANH 1 này (không làm sựng cây lúa). Phòng trừ sâu bệnh tốt (lưu ý bọ trĩ, sâu phao và cháy lá).

VÀNG 1: Cần áp dụng mọi biện pháp cho cây lúa chuyển sang màu vàng tranh lúc chuẩn bị đón đòng là rất cần thiết. Nếu ruộng lúa nào không chuyển sang màu vàng tranh trước lúc đón đòng là sai quy luật VÀNG 1, cây sẽ phát triển thân lá, về sau nhiều sâu bệnh, bông hạt kém, lốp đổ.

 Biện pháp tích cực để tác động cho cây lúa chuyển sang VÀNG 1 là:

- Bón phân đợt 2 sớm (18-20NSS), không đợi cấy dặm xong mới bón. Tác dụng của việc bón phân đợt 2 chủ yếu để nuôi những nhánh đã đẻ trước đó (chủ yếu là 2 ngạnh trê) đủ dinh dưỡng, khỏe, mập, mạnh để sẵn sàng trở thành những chồi cho bông về sau. Các nhánh đẻ muộn về sau, do bón phân đợt 2 sớm nên ruộng lúa sẽ hết phân lúc các nhánh phụ này có dưới 3 lá sẽ tự chết. Điều này tạo thành ruộng lúa ít có lá ủ (lá chưn), thông thoáng, các nhánh chính thì khỏe, mập, mạnh về sau sẽ cho bông dài, nhiều hạt (bông cái có trên 100 hạt và 2 ngạnh trê có từ 40-60 hạt).

- Nên cắt nước lúc ruộng lúa đã đẻ kín hàng (từ 30-40 NSS) với mục đích là hạn chế các nhánh đẻ vô hiệu, làm cho đất thông thoáng, rễ lúa đủ oxy hô hấp, giảm bớt các độc chất trong môi trường ngập nước, cây lúa cứng lại, ít sâu bệnh, chuyển sang làm đòng hết sức thuận lợi.

- Màu sắc của lá lúa sẽ từ màu xanh đậm (30NSS) sẽ lợt dần cho đến khi chuyển sang màu vàng tranh (khoảng 40-45 ngày sau sạ).

 XANH 2: Quan sát ruộng lúa khi có trên 2/3 đã chuyển sang màu vàng tranh (khoảng từ 40-45 ngày đối với các giống lúa có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày) thì nên đưa nước vào và bón phân đón đòng theo kỹ thuật "Không ngày, Không số": Chỗ lúa vàng tranh bón 50kg Urê + 50 kg Kali/ha; Chỗ lúa còn xanh (lúa tốt) bón 100kg Kali/ha (không bón Urê); Chỗ ½ vàng, ½ xanh lúa còn hơi tốt, bón 25 kg Urê + 75 kg Kali. Nếu bón phân đúng kỹ thuật khi cây lúa trổ, phải có màu xanh (đặc biệt là 3 lá trên cùng phải xanh bền, xanh lâu mới tạo được năng suất cao) gọi là XANH 2. Nếu vì lý do gì, từ khi lúa đã trổ - chín sữa bị vàng là trái với quy luật.

 Các biện pháp chính để giữ cho 3 lá trên cùng xanh là:

- Không sạ quá dày, lá sẽ che khuất lẫn nhau.

- Bón phân cân đối, tránh thừa đạm, thừa lân vào cuối vụ.

- Nước đầy đủ (từ làm đòng - chín sáp), phòng trừ sâu bệnh tốt, kịp thời. Nếu lá vàng, có thể xịt phân bón lá để giữ lá xanh lâu.

 VÀNG 2: Cần tháo nước trước lúc thu hoạch để thúc đẩy quá trình chín của ruộng lúa: tạo điều kiện cho lúa chuyển sang VÀNG 2 Tùy theo địa hình, nếu ruộng lúa có địa hình cao, dễ mất nước chỉ cần tháo nước trước 5-7 ngày; ruộng có địa hình trũng, lầy, cần tháo nước trước 10-15 ngày. 


Có thể bạn quan tâm

Phòng Dịch Tốt Không Sợ Thất Bại Phòng Dịch Tốt Không Sợ Thất Bại

Trong khi các trang trại chăn nuôi gia cầm trong vùng đang điêu đứng vì dịch bệnh, thì trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Đức Lập ở thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội không chỉ đứng vững, mà còn có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

07/05/2011
Bệnh Xá Cây Trồng Điểm Tựa Cho Nhà Nông Bệnh Xá Cây Trồng Điểm Tựa Cho Nhà Nông

Với mục đích phát hiện sâu bệnh trên cây trồng và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, chăm bón hiệu quả, Chi cục BVTV Hưng Yên đã tiến hành thành lập 5 bệnh xá cây trồng. Tuy mới đi vào hoạt động, song bước đầu mang lại hiệu quả trong việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động của bệnh xá được hỗ trợ miễn phí cho nông dân.

07/05/2011
Lem Nhem Thủy Sản Miền Bắc Chỉ Dừng Ở Mô Hình Và Phòng Thí Nghiệm Lem Nhem Thủy Sản Miền Bắc Chỉ Dừng Ở Mô Hình Và Phòng Thí Nghiệm

Thực tế, tỉnh nào ở phía Bắc cũng có trại và trung tâm giống thủy sản làm nhiệm vụ nuôi cá bố mẹ để SX cá giống thương phẩm cung cấp cho địa phương. Và miền Bắc cũng là địa bàn của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đơn vị h àng đầu nghiên cứu, SX cá bố mẹ. Vậy, tại sao thủy sản miền Bắc vẫn nhếch nhác hàng thập kỷ qua?

07/05/2011