Cá Chết Hàng Loạt Sau Lũ!
Cơn lũ đi qua, hàng trăm hộ dân ở đầm Cầu Hai (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi hàng chục tấn cá lồng nuôi đồng loạt đổ bệnh chết…
Cá chết trắng hồ
Có mặt tại xã Vinh Hiền những ngày này, trên nét mặt người nông dân hiện rõ nét buồn rầu, phờ phạc. Bởi chỉ trong 10 ngày trở lại đây, hàng trăm lồng bao gồm các loại cá hồng, mú, vẫu - là nguồn sinh kế chính của hàng chục hộ dân nổi bụng, chết trắng hồ. Dù chưa đến vụ thu hoạch cá lồng ở đầm phá Cầu Hai, nhưng trên các con lộ, đường thôn, người dân đang tất tả vớt cá chết, thu hoạch, bán tháo số cá đang ngắc ngoải gửi các tuyến xe Bắc - Nam tỏa đi các tỉnh hòng vớt vát lại chút vốn.
Khuôn mặt bơ phờ đang kéo nốt số lồng cá tận dụng những ngày nắng lên phơi, bà Trịnh Thị Lệ Trang (thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền), than thở: “Tui nuôi cá lồng mấy chục năm nay rồi mà chưa thấy năm nào cá chết dữ như ri. Chết không trở tay, không vớt kịp. Cá vẫu từ 7-8 lạng chết thì còn bán được khoảng ¼ giá chứ cá hồng, cá mú thì chỉ có nước mang cho lợn ăn thôi. Đầu tư mấy trăm triệu chỉ sau một trận lụt giờ trắng tay”.
Vụ nuôi năm nay, bà Trang thả nuôi 34 lồng từ đầu năm 2010. Cứ tính bình quân đầu tư cho một lồng cá các loại từ khi nuôi cho đến thời điểm hiện nay, chi phí tiền giống và thức ăn đã là 30 triệu đồng, chưa tính công dầm mưa dãi nắng ngày đêm.
Chỉ trong 10 ngày trở lại đây, khi nguồn nước thay đổi sau mưa lũ, hơn 4 tấn cá của bà Trang đồng loạt đổ bệnh, chết nổi trắng hồ, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Bà Trang nhẩm tính, thời điểm hiện nay cá đã đạt độ lớn bình quân từ 7-8 lạng, nếu may mắn đến Tết Nguyên đán, trừ chi phí sẽ lãi khoảng 200 triệu đồng, giờ cá chết không kịp trở tay, chỉ trong nháy mắt đã sạch vốn.
Tình trạng cá chết hàng loạt đã đẩy hàng trăm hộ dân ở xã Vinh Hiền vào hoàn cảnh khó khăn về sinh kế và nguồn vốn tái sản xuất cho vụ mới. Theo thống kê của UBND xã Vinh Hiền, toàn xã có 600 lồng nuôi các loại cá như vẫu, hồng, mú thì có đến 536 lồng với 40 tấn cá của 140 hộ dân có cá bị chết, thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Một số hộ thiệt hại đến 200 triệu đồng. Cá chết tập trung ở 4 thôn trên toàn xã, trong đó thôn Hiền An 1, Hiền Vinh 2, số lượng cá mắc bệnh chết lên đến 90%, có nhiều hộ trong lồng nuôi không còn con nào.
Để đối phó với tình trạng cá chết hàng loạt, một số hộ dân ở Vinh Hiền đã di chuyển lồng nuôi vào phía trong các hồ nuôi tôm hoặc qua diện tích mặt nước ở xã Lộc Bình nhưng vẫn không cứu vãn được. Anh Phan Dũng (thôn Hiền An 1) cho biết: “Do người dân ở đây nuôi tập trung chủ yếu là cá vẫu, loại cá này chi phí tiền giống, thức ăn rất cao, nhưng khi vận chuyển lồng đi “tránh dịch” thì cá rất dễ chết dù là xây xước nhỏ. Người nuôi cá chúng tôi đã làm đủ cách rồi nhưng không cứu vãn được”.
Cần sự hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền lo lắng: “Nuôi cá lồng được triển khai trên đầm phá nhiều năm nay, đây là nguồn thu chính cho bà con nông dân trên địa bàn. Cá chết hàng loạt đã đẩy hàng trăm hộ dân vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng thấy. Con số thiệt hại 8 tỷ đồng sẽ không dừng lại bởi hiện nay còn nhiều lồng nuôi của các hộ dân trên địa bàn xã cá vẫn tiếp tục chết. Theo khảo sát và đo đạc ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá chết có thể do bị ngọt hóa, nước nguồn đổ về nhiều sau mưa lũ. Hiện tại địa phương rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng về mặt kỹ thuật cũng như nguồn vốn tái nuôi trồng cho vụ tới”.
Tại xã Lộc Bình, hàng trăm hộ dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Lương Thế Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: “Sau mưa lũ, từ ngày 18/10 đến nay, cá nuôi trên địa bàn bắt đầu chết hàng loạt. Tính đến nay, toàn xã có 145 lồng của 86 hộ dân với gần 10 tấn cá bị chết, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Cá chết tập trung ở các thôn Mai Gia Phương, Hòa An, Tân Bình, Thanh Bình. Trong đó tại thôn Tân Bình, Hòa An, lượng cá chết gần như 100%. Thiệt hại người dân vô cùng lớn. Theo khảo sát của UBND xã Lộc Bình, lượng nước bề mặt ở đầm Cầu Hai bị ngọt hóa đến 50cm; độ mặn bề mặt chỉ còn 1‰.
Ngoài nguyên nhân bị ngọt hóa nguồn nước, cá chết nhiều ở Lộc Bình là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi lớp đất đá, thực bì trên các triền núi của xã theo mưa lũ đổ về. Suốt chiều dài gần 15km kéo dài từ Chân đèo Phước Tượng đến mũi chân Mây Đông, nước mang một màu đục, khoảng cách từ bờ ra 200m mực nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế theo đánh giá, số lượng cá chết sẽ không dừng ở con số hiện tại.
Ghi nhận của chúng tôi, trên các nẻo đường thôn, người dân Lộc Bình đang hối hả vớt số lượng cá đang ngắc ngứ mang bán tháo cho thương lái nhập cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh mong vớt vát lại chút vốn. Tình trạng ồ ạt bán tháo cá sau lũ đã làm cho giá cá bị rớt thê thảm. Ông Nguyễn Thình (thôn Hòa An, xã Lộc Bình) cho biết: “Như bình thường dịp cận Tết, giá cá các loại bán ra từ 100-300 nghìn đồng/kg.
Do dịch bệnh “đuổi” gấp quá, nhiều hộ dân bán tháo cá nên bị thương lái ép giá. Hiện tại bán ra chỉ bằng ¼ giá hàng ngày, người nuôi cá lỗ càng lỗ hơn”. Vụ năm nay ông Thình thả nuôi 8 lồng, tính đến thời điểm hiện tại đầu tư gần 250 triệu đồng. 8 tạ cá chết, nguồn thu chưa có đồng nào trong khi gia đình ông phải vay nợ ngân hàng.
Trước đó, tại vùng nước lợ Lập An - Lăng Cô, hàng trăm lồng cá của người dân trong khu vực cũng chết bất thường với khoảng 50 tấn cá mú gây thiệt hại gần 15 tỷ đồng.
Tình trạng cá chết hàng loạt ở hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết về quy hoạch vùng nuôi để tránh nuôi tự phát; cần có hệ thống hồ cao triều “dự bị” mỗi khi lũ lụt để di chuyển lồng nuôi “tránh dịch” cũng như các chính sách hỗ trợ người dân về vay vốn tái sản xuất, tư vấn kỹ thuật.
Related news
Không chỉ tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu bị chết hàng loạt, hiện tình trạng này vừa diễn ra và liên tục tiếp diễn tại khu vực nuôi thủy sản Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên). Điều đáng nói là trong lúc người dân lao đao, lo lắng mà ngành chuyên môn vẫn thờ ơ, xem đây là bệnh thông thường thay vì gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm để tìm cách cứu chữa.
Tuần qua, bất ngờ giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã quay đầu tăng trở lại với mức cao nhất đạt 1.000 đồng/kg, theo Hiệp hội thủy sản tỉnh An Giang.
Hàng nghìn hộ nông dân trồng nhãn ở khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đang điêu đứng vì bệnh chổi rồng liên tục tấn công vườn nhãn ngay ở giai đoạn ra hoa, đậu trái. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ cây nhãn nhiễm bệnh chổi rồng lên đến 80,90% báo hiệu một mùa vụ thất thu nghiêm trọng