Bổ Sung Đối Tượng Được Miễn, Giảm Tiền Sử Dụng Đất
Hiện nay, tại các vùng nông thôn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho người dân chưa đạt được yêu cầu đề ra. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó khá nhiều hộ nông dân nghèo gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi làm thủ tục xin giấy CNQSDĐ.
Được cấp giấy CNQSDĐ là điều kiện thuận lợi cho nông dân thực hiện quyền thế chấp vay vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất. Ảnh: Nông dân xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) thu hoạch mãng cầu tại vườn nhà.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa pháp luật đất đai hiện hành, đồng thời bổ sung nhiều quy định nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất, vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân thực hiện các quyền khi được Nhà nước giao đất phục vụ nhu cầu về đất ở và đất sản xuất.
Tại Điều 17 Dự thảo luật quy định: Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua “Quyết định giao đất cho người sử dụng đất bằng các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất”. Theo đó, tại Điều 55 về thu tiền sử dụng đất, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp: 1.Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở; 2.
Tổ chức kinh tế được giao đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; 3.Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế liên doanh được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê. 4.Tổ chức kinh tế được giao đất làm nghĩa trang, nghĩa địa có mục đích kinh doanh.
Dự thảo luật cũng quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất (Điều 107), trong đó có các trường hợp: “Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với nước, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo”. Quy định này thể hiện chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, nếu “mở rộng” thêm đối tượng được thụ hưởng ưu đãi thì sẽ được lợi nhiều mặt hơn về quản lý đất đai.
Thực tế cho thấy, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, nhiều hộ dân được cơ quan Nhà nước thẩm quyền ra quyết định giao đất, nhưng do hoàn cảnh kinh tế gia đình nên khi họ làm giấy CNQSDĐ thì gặp khó khăn về khoản nộp tiền sử dụng đất. Đơn cử như trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Đức Danh, ngụ tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc như sau: Năm 2007, gia đình ông Danh được cơ quan thẩm quyền ban hành quyết định giao đất ở có diện tích 300m2.
Căn cứ quy định tại thời điểm đó, cơ quan thuế ra thông báo cho ông Danh phải nộp tiền sử dụng đất là 90 triệu đồng, đây là một trong những điều kiện để được cấp giấy CNQSDĐ. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong khi nhà có nhiều nhân khẩu, vì vậy, ông Danh không có tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.
Sau hơn 5 năm chắt chiu dành dụm đủ số tiền trên, vừa qua, ông Danh đến kho bạc để nộp tiền sử dụng đất thì được biết phải đóng thêm tiền phạt chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế, tổng cộng số tiền ông Danh phải nộp hơn 180 triệu đồng. Như vậy, nếu không đủ tiền nộp, ông Danh sẽ không được cấp giấy CNQSDĐ, không thực hiện được đầy đủ các quyền sử dụng đất của mình như Hiến pháp và Luật Đất đai quy định.
Trường hợp của ông Danh hiện khá phổ biến ở các vùng nông thôn, nơi mà đa số cư dân có mức thu nhập thấp. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nên bổ sung đối tượng “hộ cận nghèo ở nông thôn” được miễn nộp tiền sử dụng đất khi làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ. Nếu giảm tiền sử dụng đất thì không xử phạt chậm nộp từ khi cơ quan thuế ra thông báo đến khi họ có điều kiện nộp tiền sử dụng đất; cho phép người dân được nộp khoản tiền này thành nhiều lần trong khoảng thời gian hợp lý.
Thiết nghĩ, việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về miễn, giảm nộp tiền sử dụng đất ở tại các vùng nông thôn sẽ tạo điều kiện cho nông dân thực hiện đúng chính sách pháp luật đất đai, đăng ký kê khai đất để được cấp giấy CNQSDĐ. Như vậy, tiến độ cấp giấy CNQSDĐ theo kỳ vọng của Chính phủ với tỷ lệ hoàn thành 100% tron gthời gian tới đây sẽ được thuận lợi hơn, công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng được nâng cao.
Đối với người dân nông thôn, giấy CNQSDĐ được cấp sẽ là cơ sở pháp lý cho họ thực hiện đầy đủ các quyền theo luật định, trong đó có việc thế chấp “sổ đỏ” để vay vốn ngân hàng phục vụ cho đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Related news
Những năm gần đây, mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được ngành chức năng khuyến cáo nông dân thực hiện. Theo đó, nhiều CĐML từ vài chục đến hơn 100ha được thành lập, nông dân đã cùng nhau liên kết để sản xuất. Đây là mô hình làm ăn tập thể theo kiểu mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với tổng giá trị đầu tư gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro, dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) đã được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2-8.
Ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi Cục NTTS cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 2 HTX Nuôi trồng và Chế biến xuất khẩu thủy sản: Xuân Thành ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) và Hải Ninh ở Thạch Trung (Tp Hà Tĩnh) áp dụng kỹ thuật thổi khí xuống đáy ao cho tôm nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.