Giá / Mô hình kinh tế

Bỏ Chợ, Về Đồng Làm... Tỷ Phú

Bỏ Chợ, Về Đồng Làm... Tỷ Phú
Tác giả: 
Ngày đăng: 17/05/2012

Từ bỏ công việc buôn bán, Học đăng ký thầu 5ha đất trũng thuộc khu Đầm Sung với thời gian 10 năm để thực hiện kế hoạch làm giàu.

Nhớ năm 2007 khi chàng thanh niên 28 tuổi Vũ Trung Học bỏ quầy hàng tạp hóa đang buôn may bán đắt ở chợ để về thuê đất làm ND, hàng xóm của anh ở thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bảo anh vừa hâm, vừa liều. Giờ đây, bà con tự hào vì anh là 1 ND sản xuất giỏi.

“Thành công bước đầu đã chứng minh quyết định bỏ chợ về đồng của mình là đúng đắn" - ông chủ trang trại bạc tỷ chia sẻ.

"Đánh bạc" cùng đồng chiêm trũng

Từ bỏ công việc buôn bán, Học đăng ký thầu 5ha đất trũng thuộc khu Đầm Sung với thời gian 10 năm để thực hiện kế hoạch làm giàu. Dồn toàn bộ tiền, anh thuê người be bờ, đào ao, bơm nước thau chua, tôn đất dựng chuồng thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi, thả cá kết hợp trồng cây ăn quả.

Thách thức đến với Học ngay vụ sản xuất đầu tiên. Năm 2008, do rét đậm kéo dài cộng với dịch bệnh, anh lại chưa có kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn nên 2.000 con gà, 4.000 con vịt cùng hàng trăm con lợn giống của anh không chết thì cũng chậm lớn, anh thua lỗ khoảng 300 triệu đồng.

Sau nhiều đêm thức trắng kiểm điểm lại quy trình sản xuất để rút ra bài học, anh gõ cửa người thân huy động vốn để tiếp tục "đánh bạc" cùng đầm bãi. Vừa làm vừa tìm hiểu, anh tìm gặp những người đi trước tham khảo kinh nghiệm, liên hệ với cán bộ khuyến nông thị trấn, Trung tâm Khuyến nông huyện, tham gia các lớp tập huấn, mượn sách báo, tài liệu về nghiên cứu... Sau hơn 1 năm "ăn bờ ao, ngủ tại lán, quần áo cả ngày bết đất", 3ha ao thả cá, 1,5ha vườn chuồng cùng 500m2 nhà xưởng đã đem lại cho anh thu nhập ngày càng lớn.

Năm 2009, được Quỹ Tài năng trẻ thanh niên trợ sức, Học thành lập HTX Nông nghiệp tư nhân Ánh Dương. Anh mở rộng thêm 2 ao cá, quanh bờ ao trồng cam, bưởi, chuối, xoài và hàng chục loại cây ăn quả có giá trị cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, lợn sinh sản. Năm 2010, với việc bán ra thị trường trên 20 tấn cá, 40 tấn thịt lợn thương phẩm, hàng chục tấn lợn giống cùng nguồn thu từ vườn hoa, quả, Học đã có trong tay tiền tỷ.

Đam mê hoạt động xã hội

Mô hình kinh tế tổng hợp của Học giờ đã nổi tiếng khắp vùng với 7 ao nuôi cá có diện tích từ 500 - 1.000m2/ao; 3 khu trại gà nuôi trên 3.000 gà đẻ siêu trứng; 3 khu trại lợn nuôi hơn 200 con lợn thịt, trên 100 con lợn sinh sản; 1 xưởng chuyên làm cửa nhôm kính; 1 khu liên hợp nhà hàng ăn uống có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Sinh năm 1979, mới bước sang tuổi 33, trong tay anh Học đã có tài sản cả chục tỷ đồng và đang tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 2 - 4 triệu đồng/ người/tháng.

Mặc dù bận rộn nhưng Học vẫn dành rất nhiều thời gian tham gia và tài trợ cho các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương; giúp đỡ vốn, giống kiến thức để ND nhất là những thanh niên trẻ làm giàu.

“Mình sẽ đem tới Hội nghị ND sản xuất kinh doanh giỏi thông điệp về chìa khóa làm giàu hôm nay đó là kiến thức, thực tiễn, thông tin kịp thời, bắt kịp thời cơ, biết chia sẻ với mọi người..."- Học thổ lộ.

Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống

Ngoài các biện pháp kỹ thuật đang được phổ biến như "một phải năm giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch), mô hình còn áp dụng tuyệt đối không dùng bất cứ hóa chất nào để xử lý hạt giống trước lúc gieo sạ.

17/05/2012
Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi

Là người tiên phong đưa giống cây thanh long ruột đỏ về vùng đất miền núi Tràng Xá, anh Chu Văn Hợp, xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), hiện là chủ nhân của 300 gốc cây thanh long ruột đỏ đang đơm hoa kết trái, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình sản xuất mới, phù hợp với vùng đất miền núi khô cằn, đang được nhiều hộ dân học tập theo.

17/05/2012
Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía

Nhờ ứng dụng cơ giới vào khâu làm đất và biết sử dụng phân bón hợp lý, hàng trăm hộ dân người Hrê trồng mía ở huyện miền núi Ba Tơ đã nâng năng suất cây mía lên gấp 2 lần, hạn chế được tình trạng đất bị xói lở, bạc màu.

17/05/2012