Bí quyết nuôi tôm 3 giai đoạn, cứ 1ha bắt lên 48 tấn, dân trúng lớn
Anh Lư Trần Hải Đăng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) phấn khởi với thành công của dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ Semi-biofloc" mang lại.
Sau gần 3 tháng thả nuôi, 2 hộ tham gia dự án sản xuất thử nghiệm “Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ Semi-biofloc tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau” đã thu hoạch với năng suất đạt mục tiêu dự án đề ra. Dự án được thực hiện từ nguồn vốn Khoa học và Công nghệ.
Tham gia dự án, sau 22 ngày dèo tôm, tiếp tục nuôi 2 giai đoạn 66 ngày, hộ ông Lư Trần Hải Đăng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân thu hoạch tôm đạt kích kỡ 38 con/kg, năng suất 7,2 tấn, tỷ lệ sống 80%. Trừ chi phí, ông Đăng lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Còn hộ ông Ngô Văn Thắng, ấp Cái Nước, xã Phú Tân, huyện Phú Tân thu hoạch tôm đạt 39 con/kg, sản lượng thu được 7,5 tấn sau 66 ngày nuôi, lợi nhuận trên 400 triệu đồng.
Ông Lư Trần Hải Đăng cho biết: “Khi nuôi theo dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, có khác biệt hơn so với nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trước là nuôi 3 giai đoạn, nên tôm phát triển nhanh hơn, ao nuôi sạch và tôm không có hiện tượng chậm lớn. Nhờ vậy đỡ tốn nhân công vệ sinh ao, tôm màu đẹp hơn so với các vụ nuôi trước”.
Năng suất tôm nuôi bình quân của dự án nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn thực hiện tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân (Cà Mau) đạt tới 48 tấn/ha.
Có được vụ nuôi thuận lợi này là nhờ tác động của các yếu tố kỹ thuật, nhất là quy trình nuôi áp dụng công nghệ Semi-biofloc. Semi-biofloc là quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển thuỷ sản bền vững.
Kỹ sư Bùi Trung Quân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Triển khai dự án này, khi tạo được các hạt bio-floc sẽ giúp ổn định môi trường nước trong ao nuôi. Nó cũng hạn chế thức ăn dư thừa, các loại khí độc phát sinh trong quá trình nuôi như: NH3, H2S… Từ đó, khi triển khai nuôi 3 giai đoạn sẽ giúp tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi, nuôi đạt kích cỡ lớn; giảm áp lực về môi trường ao nuôi. Mô hình này giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả tôm nuôi”.
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông và chính quyền địa phương luôn quan tâm, kiểm tra dự án từ khi thực hiện đến thu hoạch tôm nuôi.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân Huỳnh Văn Lớn cho biết: “Dù chỉ có 2 hộ dân tham gia, nhưng mô hình còn được rất nhiều nông dân nuôi tôm quan tâm từ giai đoạn đầu thực hiện đến thu hoạch. Mặc dù thu hoạch tôm trong thời điểm giá thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng với lợi nhuận mỗi hộ trên 400 triệu đồng sau hơn 2 tháng nuôi cho thấy dự án này rất thành công. Sẽ có nhiều nông dân thực hiện theo mô hình này cho ao nuôi của mình”.
Dự án sản xuất thử nghiệm nhưng bước đầu mang lại tín hiệu tích cực về quy trình, kỹ thuật và công nghệ. Dự án đang được ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình để nhân rộng ra các hộ nuôi trên địa bàn huyện Phú Tân nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung nhằm tăng năng suất, thu nhập của nông dân.
Related news
Bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển (Viral Nervous Necrosis disease in marine fish: VNN) lần đầu tiên được mô tả ở cá chẽm ở Australia
Cá chép chọn giống V1 là thế hệ chọn lọc thứ 6 của cá lai 3 máu giữa cá chép Việt Nam, cá chép Hungary và cá chép Indonesia.
Làm thế nào Na Uy có thể đánh bại bệnh viêm tuyến tụy ở cá hồi? Bằng cách phát hiện bệnh nhanh hơn.