Bí quyết không cần ngâm ủ, lúa vẫn nảy mầm như thường
Không ngâm, ủ hay xử lý bằng bất cứ hình thức gì trước đó, hạt lúa chọn làm giống được người dân ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi gieo sạ thẳng xuống ruộng, rồi sau đó cào phủ lớp đất cát mỏng lên phía trên mặt.
Cũng như chuyện đưa cây lúa về trồng trên cát, người dân Đức Minh cho biết cách gieo sạ này được áp dụng từ nhiều đời nay. Theo đó cứ vào tầm khoảng tháng 8-9 âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch các loại cây màu, người dân bắt đầu gieo sạ lúa, đến khoảng tháng 11 âm lịch thì thu hoạch.
Trong ảnh: Lúa giống không qua ngâm ủ, được gieo sạ thẳng xuống đất.
Tuy nhiên, khác cách gieo trồng vẫn thường thấy trên đồng ruộng là ngâm ủ trước cho nẩy mầm, lúa giống được người dân Đức Minh để khô và gieo sạ trực tiếp xuống ruộng, rồi sau đó cào, phủ lên phía trên một lớp đất mỏng.
Làm đất kĩ trước khi xuống giống là một khâu quan trọng của việc trồng lúa trên cát.
Nói về cách gieo sạ khác thường này, lão nông Bùi Thanh Viên (56 tuổi, ở thôn Minh Tân Bắc) giải thích: Do đất trồng một phần thịt, nhưng đến 3-4 phần cát, nước tưới lại nhờ trời mưa, vì vậy nếu đem ngâm ủ trước và gieo sạ xuống mà không có mưa, mầm lúa sẽ bị nắng nóng “hun chín”, dẫn đến hư hỏng, chết. Thế nhưng với cách này, hạt lúa gieo dù bị nắng nóng nhiều ngày thì cũng không bị ảnh hưởng gì. Hạt lúa sau khi gieo xuống cứ thế nằm chờ đến khi trời mưa xuống thì nảy mầm.
Sau khi gieo sạ xong, thì phủ một lớp đất lên trên.
Để lúa gieo nảy mầm đạt tỷ lệ cao, làm đất là khâu quan trọng nhất, ngoài ra cần bỏ nhiều phân chuồng, bừa bằng kĩ, phẳng, mịn.... Sau khi gieo sạ xong phải lấp một lớp đất mỏng vừa phải, để lúa giống đủ độ ẩm mới có thể nảy mầm tốt khi có nước mưa. Khi hạt lúa đã nảy mầm và mọc thành cây thì các công đoạn chăm sóc khác như làm cỏ, bón phân... vẫn diễn ra bình thường như trồng trên đồng ruộng.
Do cách gieo trồng khác thường và nưới tưới phụ thuộc vào nước mưa nên rủi ro khá lớn. Tuy nhiên, nếu gặp thời tiết thuận lợi thì năng suất lúa trồng trên cát thu hoạch cao không thua kém so với ở đồng ruộng. Gần đây nhất là vụ mùa năm 2015 vừa qua, năng suất lúa thu hoạch ở đây đạt trung bình đến 60 tạ/ha/vụ.
Nếu chẳng may mất mùa, thì người dân nơi đây không lấy làm buồn, bởi lẽ lúa trồng sẽ được người dân thu hoạch về để làm thức ăn cho bò nuôi trong mùa mưa lạnh.
Một ruộng lúa trồng trên cát xanh tốt không kém gì trên đồng.
Ngày càng có nhiều người dân ở xã Đức Minh gieo trồng theo cách này. Năm nay, toàn xã có tới 200 ha lúa gieo trồng trên cát, gấp 2-3 lần so với những năm trước đó. Lúa được bà con nông dân gieo ở khắp nơi, từ trong vườn nhà cho đến ngoài đồng, ít thì 1 vài sào, nhiều hộ còn trồng cả hecta.
Và đến thời điểm này, Đức Minh là xã duy nhất của Quảng Ngãi và hiếm hoi ở miền Trung gieo trồng lúa trên cát với hình thức gieo sạ lạ đời như trên.
Related news
Không chỉ đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, hạt điều Việt Nam còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao về chất lượng. Sức hút và nhu cầu ngày càng lớn
Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến 30-9-2016, toàn tỉnh có trên 142.000 con gia súc lớn, trong đó, đàn trâu là 110.715 con, tăng gần 500 con
Một trong những điểm mới của dự thảo là quy định về giá dịch vụ thủy lợi thay cho “thủy lợi phí”, nhằm thống nhất với pháp luật hiện hành