Bí Đỏ Thiệt Hại Kép Ở Xuân Đông (Đồng Nai)
Cây bí đỏ đã bén rễ đất Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được hơn 10 năm. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ loại cây này, nhưng có lẽ đây là năm đầu tiên người trồng bí bị mất giá lẫn thất mùa.
Hiện nay, ở Xuân Đông đang bước vào cuối vụ thu hoạch bí đỏ, giá bí cũng đã nhích lên được thêm vài trăm đồng/kg. Thế nhưng, nhiều người dân không khỏi tiếc ngẩn ngơ khi nhìn ruộng bí chín vàng mà không thu hoạch được do bí bị thối, giá thấp, bán hết chỉ đủ tiền vốn đầu tư.
* Rớt giá
Trên con đường chính vào cánh đồng chuồng bò ở ấp Cọ Dầu, thỉnh thoảng lại xuất hiện những bao bí được chất cao như bức tường thành gần bằng đầu người đang chờ thương lái đến mua. Loại bí đẹp bán tại ruộng hiện có giá 2.500 đồng/kg, còn bí dạt là 1.500 đồng/kg. Chị Lê Thị Hồng, chủ một ruộng bí gần 1 hécta cho biết, giá bí hiện tại đã cao hơn giữa mùa thu hoạch 500 đồng/kg. Chị Hồng nói: “Bí đẹp đầu vụ năm nay được gần 4 ngàn đồng/kg rồi giảm dần, lúc thấp nhất chỉ còn 2 ngàn đồng/kg. Loại bí dạt xuống thấp nhất chỉ có 1.200 đồng/kg. Năm nay trồng bí tính ra hòa vốn, không có lãi”.
So với năm ngoái thì giá bí năm nay ở Xuân Đông chưa bằng một nửa. Giá đầu vụ của năm ngoái lên đến 8 ngàn đồng/kg, khi thấp nhất cũng ở mức 3 ngàn đồng/kg.
* Thêm mất mùa
Năm nay thời tiết không ủng hộ cho cây bí nên mức chi phí đầu tư cao hơn so với mọi năm. Tính ra, mỗi sào bí người trồng phải bỏ ra 2 triệu đồng tiền vốn. “Trời mưa nhiều vào thời điểm bí đang trổ bông làm không đậu trái, tôi phải bón thêm một đợt phân nữa và xịt thuốc kích thích cho dây bí phát triển để lấy đợt bông sau. Đến khi trái lớn gần vào thu hoạch lại gặp mưa dầm suốt mấy ngày làm cho trái bí thối. Hơn một hécta bí của tôi mọi năm vẫn thu được từ 20 - 22 tấn mỗi vụ, nhưng năm nay chỉ thu được 14 tấn. Nhìn trái bí thấy chín vàng như vậy nhưng bên dưới lại thối”, ông Nguyễn Văn Sơn, một nông dân ở ấp Thoại Hương cho hay.
Ruộng bí 8 sào của bà Nguyễn Thị Vân ở đây khá trũng nên lượng bí bị thối do mưa lên đến hơn một nửa. Nhiều nông dân trồng bí ở đây cho biết, năng suất bí vụ này chỉ đạt khoảng 60%.
Ông Lê Văn Tham, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, ưu điểm của cây bí là chỉ hơn 2 tháng thu hoạch nên các chân ruộng cao không lo bị hạn cuối vụ. Nhiều năm nay xã Xuân Đông đã hình thành 3 vùng trồng chuyên canh cây bí vào vụ hai (hè thu) ở các ấp Thoại Hương, Cọ Dầu và Láng Me. Năm 2011, giá bí đỏ lên cao người trồng bí có lãi nhiều và sang năm nay diện tích bí đã tăng lên gấp đôi từ 500 hécta lên gần 1 ngàn hécta. Vụ bí này giá thấp và mưa nhiều khiến người trồng bí lãi rất ít, những hộ có lượng bí bị hư nhiều lại bán vào lúc giá thấp là không có lãi.
Related news
Vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Nam chiếm một diện tích rất lớn, khoảng trên 35.000 ha, tiềm lực và tiềm năng đều thua kém so với các vùng khác trong tỉnh. Trong nhiều năm qua tỉnh đã thu hút được nhiều dự án, chủ yếu là các dự án trồng rừng phòng hộ ven biển chống cát bay như PACSA, JICA… đã đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội và môi trường.
Hơn 5 năm qua, khi nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác khiến nông dân bao phen điêu đứng vì giá cả, dịch bệnh thì cây khóm lại bám rễ ngày một sâu hơn. Vị thế cây khóm dần được khẳng định, nhiều hộ dân xã Trí Lực, huyện Thới Bình chọn là cây trồng cho thu nhập chính.
Sau khi đi tham quan mô hình nuôi rắn của một người quen ở tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, nhận thấy loài rắn hổ hèo (miền Đông gọi là long thừa) rất dễ nuôi. Do đặc tính lành, không độc nên ông quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm, bước đầu cho thấy rất khả quan.