Prices / Tin thủy sản

Bệnh đốm trắng trên tôm và cách phòng bệnh

Bệnh đốm trắng trên tôm và cách phòng bệnh
Author: Ban KHKT
Publish date: Thursday. May 27th, 2021

Bệnh đốm trắng trên tôm do virus gây ra là một trong những bệnh vô cùng nguy hiểm, có khả năng làm tôm chết 100% trong thời gian ngắn.

Bệnh đốm trắng trên tôm gây tỷ lệ chết của tôm lên tới 90 – 100% chỉ sau từ 3 – 10 ngày nhiễm bệnh, xuất hiện chủ yếu vào mùa lạnh khi mà nhiệt độ xuống thấp dưới 32 độ C. Vậy nguyên nhân gây bệnh đốm trắng trên tôm là gì? Triệu chứng bệnh đốm trắng trên tôm ra sao? Cách phòng bệnh đốm trắng như thế nào? Cùng TSVN tìm hiểu nhé!

Nguyên nhân bệnh đốm trắng trên tôm

Virus gây hội chứng đốm trắng trên tôm (White Spot Syndrome Virus – WSSV) có acid nucleic là DNA, ký sinh trong nhân. Virus có độc lực rất mạnh, tấn công nhiều mô tế bào khác nhau, thường trên tế bào biểu mô da. WSSV gây chết trên mọi giai đoạn phát triển từ ấu trùng đến tôm giống và tôm trưởng thành.

Mầm bệnh có trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài thông qua nguồn nước, các ký chủ trung gian. Khi lượng chất thải nuôi tôm nhiều, môi trường nuôi bị ô nhiễm hay thời tiết thay đổi, tôm bị yếu sẽ tạo điều kiện cho các loại virus bùng phát gây dịch bệnh cho tôm. Bệnh thường phát triển khi giao mùa. 

Triệu chứng bệnh đốm trắng trên tôm

Tôm bị bệnh đốm trắng do virus thường biểu hiện một số triệu chứng bệnh lý như tôm có hiện tượng dạt vào bờ, giảm ăn, quan sát trên thân tôm thấy xuất hiện những đốm trắng tròn nằm dưới lớp vỏ kitin ở giáp đầu ngực hoặc toàn thân. Thân tôm xuất hiện màu hồng tím. Tôm chết hàng loạt và có thể chết 100% chỉ trong 3 – 5 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh.

Cách phòng bệnh đốm trắng trên tôm

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh do virus gây ra bệnh đốm trắng. Vì vậy, chỉ có thể phòng bệnh bằng các phương pháp tổng hợp. 

Bệnh đốm trắng chủ yếu lây truyền theo chiều ngang. Virus này lây từ giáp xác (cua, còng…) nhiễm bệnh đốm trắng từ môi trường bên ngoài ao hoặc ngay trong ao nuôi tôm. 

Vì vậy, khi chuẩn bị ao cần tiêu diệt hết các vật trung gian truyền bệnh bằng vôi hoặc hóa chất. 

Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao 5 – 7 ngày. Lấp các lỗ ở bờ ao để làm cho cua, còng hết nơi trú ẩn. 

Khi cấp nước vào ao nuôi cần lọc qua túi lọc nhiều lớp, để ngăn trứng và ấu trùng của các loài cá, giáp xác vào ao nuôi trở thành vật truyền bệnh. Sau đó, cần phải tiến hành diệt tạp trong nước trước khi thả nuôi để diệt một số loài cá dữ và cá mang bệnh.

Con giống cần đảm bảo sạch bệnh. Khi mua con giống nhất thiết phải qua kiểm dịch, xét nghiệm và nên mua tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng.

Áp dụng các công nghệ nuôi như công nghệ Biofloc thân thiện với môi trường, nuôi ghép với cá… để phòng, chống bệnh hiệu quả. 

Quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi, hàm lượng khí độc… đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho tôm, nhất là vào những thời điểm giao mùa hoặc có mưa nắng, thất thường kéo dài. 

Sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì môi trường ao nuôi, sử dụng Vitamin C, men vi sinh trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn tươi sống cho tôm ăn vì đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiềm tàng. 

Thực hiện an toàn sinh học trong suốt quá trình nuôi như sử dụng lưới ngăn chim, rào ngăn động vật sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh từ vùng này đến vùng kia hoặc từ ao nuôi này sang ao nuôi khác.

Kiểm tra thường xuyên màu sắc, khả năng bắt mồi và tình trạng sức khỏe của tôm nuôi để kịp thời phát hiện và xử lý.

Trong trường hợp ao tôm bị đốm trắng, thực hiện các biện pháp cách ly ngay. Nếu tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch sớm để tránh thiệt hại, vì bệnh có thể gây cho tôm chết rất nhanh. 

Tôm chết phải đem đi xa khu vực nuôi, chôn cùng với vôi bột, không vứt tôm bị đốm trắng ra môi trường bên ngoài. Nếu tôm còn nhỏ, bị bệnh đã nặng, cần dùng các chất thuốc sát trùng liều cao, tiêu diệt virus trước khi thải bỏ. Dùng Formol 50 – 70 ppm hoặc Chlorine 50 – 100 ppm để tiêu diệt toàn bộ (hủy ao). 

Khi có dấu hiệu bệnh đốm trắng do virus, người nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y địa phương hoặc cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, tránh tình trạng bệnh lây lan rồi mới công bố dịch.

Đối với những ao tôm bị bệnh đốm trắng, người nuôi không nên vội vàng cải tạo để thả nuôi mà nên cho ao nghỉ khoảng 1 – 2 tháng và tái tạo lại môi trường nền đáy ao. Trong thời gian này, nên thả cá rô phi để cá tiêu diệt hết những loại ký chủ trung gian mang mầm bệnh còn sót lại.


Related news

Hướng đến sản xuất thủy sản an toàn nhờ chiết xuất thảo dược Hướng đến sản xuất thủy sản an toàn nhờ chiết xuất thảo dược

Sử dụng thảo dược để thay thế kháng sinh, tăng cường hệ miễn dịch cho vật nuôi và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm thủy sản

Thursday. May 27th, 2021
Hiệu quả từ nuôi xen ghép cá rô đầu vuông và trê vàng Hiệu quả từ nuôi xen ghép cá rô đầu vuông và trê vàng

Mô hình đầu tư nuôi thâm canh, xen ghép hai đối tượng nuôi mới: cá rô đầu vuông và trê vàng của một số hộ dân xã Điện Thọ (Điện Bàn) bước đầu có hiệu quả

Thursday. May 27th, 2021
Những điều cần biết trước khi nuôi một bể cá cảnh Những điều cần biết trước khi nuôi một bể cá cảnh

Xem xét các yếu tố cơ bản và lập kế hoạch giúp người mới bắt đầu nuôi cá cảnh tránh được những khó khăn thường gặp. Ngay cả đối với người nuôi có kinh nghiệm

Thursday. May 27th, 2021