Bấp Bênh Nuôi Con Giống Mới
Khoảng 3 năm trở lại đây, việc nuôi những giống mới như nhím, ba ba, chim trĩ, cá lăng chấm... gặp khó khăn, nhiều người bị thua lỗ nặng.
Lỗ vì giống mới
Năm 2009, xã Tân Quang (Ninh Giang - Hải Dương) nở rộ phong trào nuôi nhím sinh sản và nhím thịt. Anh Vũ Duy Linh ở thôn Hội Xá là người đầu tiên nuôi nhím sinh sản ở đây cho biết: "Năm 2007, xem ti-vi, tôi thấy nuôi nhím dễ mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, tôi đã lên Ba Vì mua 2 cặp nhím giống với giá 12 triệu đồng/cặp. Từ 2 cặp nhím ban đầu, tôi đã gây được 60 cặp nhím sinh sản. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi số nhím sinh sản này để kinh doanh nhím giống và nhím thịt. Tuy nhiên, khi vừa xây xong thì giá nhím giảm mạnh.
Nhím bố, mẹ từ 20 triệu đồng/cặp, giảm xuống còn 2- 3 triệu đồng/cặp, nhím thịt từ 670 - 700 nghìn đồng/kg giảm xuống còn 200 - 220 nghìn đồng/kg. Thấy vậy, tôi phải nhanh chóng bán bớt đi, vốn bỏ ra xây dựng chuồng và mua đồ dùng vẫn chưa thu lại được. Hiện nay, tôi chỉ còn để lại 2 cặp nhím bố, mẹ để duy trì giống, đợi thời điểm thích hợp sẽ khôi phục việc chăn nuôi đàn". Theo ông Vũ Đình Lẫy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang, nghề nuôi nhím ở xã có từ năm 2007, đến năm 2009 phát triển mạnh nhất.
Lúc đó, cả xã có 32 hộ nuôi nhím với số lượng trên 500 con. Xã đã thành lập được "Hiệp hội những người nuôi nhím" để hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nuôi đã giảm mạnh, toàn xã chỉ còn khoảng 8 hộ nuôi với số lượng vài chục con. Nhiều gia đình bị lỗ hàng trăm triệu đồng do mua con giống với giá cao đến khi bán thì giá lại giảm mạnh.
Anh Đặng Duy Tuyền ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) là người đầu tiên nuôi cá lăng chấm ở tỉnh ta. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, anh Tuyền thả 2.200 con cá lăng chấm. Sau gần 1,5 năm nuôi, anh Tuyền lãi trên 300 triệu đồng. Chăm sóc vất vả nhưng hiệu quả kinh tế cao, vì thế năm 2011, anh Tuyền đã đầu tư nuôi gần 1 vạn con.
Tuy nhiên, do cá lăng chấm thích hợp với nước chảy ở các dòng suối, khí hậu ôn hòa trong khi đó mùa hè năm 2012, thời tiết nắng nóng liên tục đã làm ao cá của anh Tuyền chết hơn 3.000 con, những con khác sinh trưởng, phát triển cũng chậm. Lo sợ cá trong ao sẽ tiếp tục chết nên anh Tuyền đã thu hoạch "non" bán với giá thấp. Tính ra, trong đợt nuôi này anh Tuyền bị lỗ hơn 100 triệu đồng.
Chưa được chú trọng đúng mức
Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do các giống vật nuôi, thủy sản mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh ta nên vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Chưa có cơ quan, đơn vị nào trên địa bàn tỉnh thống kê về các giống mới, số lượng và quy mô chăn nuôi của các hộ dân.
Hầu hết các giống vật nuôi mới đều do người dân tự tìm hiểu và đưa về nuôi nên chưa có cơ chế, chính sách hoặc định hướng cho người nuôi. Các vật nuôi mới thường "kỹ tính", khi môi trường, điều kiện sống thay đổi khó thích nghi, dễ phát sinh nhiều loại bệnh. Trong khi đó, do phát triển tự phát nên người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm phát hiện và chữa trị bệnh.
Các vật nuôi mới thường có giá bán cao nên thị trường tiêu thụ hẹp. Nhất là trong bối cảnh kinh tế liên tục gặp những khó khăn như hiện nay thì lượng người dùng cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, khi thị trường xuất hiện một giống mới hơn thì các giống này nhanh chóng bị lỗi thời, không được ưa chuộng nên lại trở thành giống cũ và khi đó giá trị, hiệu quả kinh tế sẽ giảm mạnh.
Để đa dạng hóa cơ cấu các vật nuôi của tỉnh và mang lại hiệu quả cao, người dân cần tính toán cụ thể khi đưa một giống mới vào nuôi. Các ngành chức năng trong tỉnh cần quan tâm, có cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các giống vật nuôi, thủy sản mới. Cần có hướng dẫn cụ thể người dân nên nuôi, thả các giống nào, có hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, chăm sóc, phòng, trừ dịch bệnh, định hướng về thị trường tiêu thụ cho người dân...
Có thể bạn quan tâm
Từ một hộ nghèo nhất xã, nhờ nuôi ba ba, đến nay gia đình ông Nguyễn Tất Đạt (thôn Đồi Cao I, xã Yên Bình, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa mất giá” trong nông nghiệp liên tiếp tái diễn khiến nông dân “hụt hơi” trên mảnh đất của mình. Tháng 5, tháng 6 hàng năm là cao điểm mùa thu hoạch các loại trái cây của các nhà vườn như chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít, măng cụt…
Với việc sản xuất tập trung, sử dụng một loại giống lúa, cùng áp dụng một biện pháp canh tác, những mô hình “cánh đồng một giống” được triển khai trong vụ xuân năm 2013 tại huyện Phú Bình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.