Báo Động Tình Trạng Bắt Cá Non
Hiện nay đang vào đầu mùa mưa, chính là thời điểm sinh sản duy trì nòi giống của các loại thuỷ sản, trong đó có nguồn cá đồng. Tuy mới bắt đầu mùa sinh sản, cá còn rất nhỏ nhưng đã xuất hiện nhiều hình thức bắt cá non, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì nguồn lợi cá đồng sẽ cạn kiệt nhanh.
Vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân thiếu ý thức, dùng lưới mành, kích thước lỗ rất nhỏ kéo bắt nguồn cá non để cải thiện bữa ăn, thậm chí để bán với giá cao, vi phạm quy định về quản lý thuỷ sản.
Anh Trần Văn Đô, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, những năm gần đây nguồn cá đồng tự nhiên bị cạn kiệt nhanh, một phần do người dân thiếu ý thức bảo vệ.
Do cạn kiệt không còn cá lớn để bắt, nhiều người dùng mọi hình thức để bắt cá non như dùng lưới mành kéo bắt cá lòng ròng. Mùa này, cá non bày bán ở các chợ với giá rất đắt, từ 15.000 - 20.000 đ/lồng/100 gram.
Theo quy định chỉ được mua bán cá đồng đối với loại cá có đủ kích cỡ, trọng lượng như cá lóc 6 con/kg trở lên, cá rô đạt 10 con/kg, cá bổi 10 con/kg… Loại có trọng lượng thấp hơn không được phép mua bán.
Anh Phan Thanh Toàn, nông dân ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết, trước đây người dân dùng lưới để bắt cá, sau đó chọn cá đủ kích cỡ để bán, cá non thả lại làm cá giống, nhưng hiện nay người dân dùng mọi hình thức bắt cá non. Đây chính là nguyên nhân làm cho nguồn cá bị tận diệt.
Huyện Trần Văn Thời được xem là cái nôi của cá đồng với những địa danh nổi tiếng như: Khánh Hưng, Khánh Hải, Trần Hợi hay Khánh Bình Tây… Tuy nhiên, sự khai thác thiếu bảo vệ của người dân địa phương làm cho nguồn lợi cá đồng ngày càng cạn kiệt.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 14.000 ha nuôi cá đồng, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 kg/ha. Đa phần những diện tích nuôi cá đạt năng suất cao đều theo hình thức công nghiệp, còn các loại cá khác như: cá rô, cá lóc, cá trê… ngày càng cạn kiệt dần.
Diện tích nuôi cá đồng bị thu hẹp dần, cộng thêm tình trạng người dân khai thác một cách vô ý thức, trộm cắp cá bằng cách xiệc điện, dùng lưới mành kéo bắt cá non, làm cạn kiệt nguồn lợi cá đồng vốn rất dồi dào một thời ở huyện Trần Văn Thời.
Mặt khác, trong những năm gần đây, do chuyển sang làm 2 vụ lúa/năm, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh sản và phát triển của các loài cá đồng.
Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, để ngăn chặn tình trạng bắt cá non, sở tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ thị, giao chính quyền các cấp áp dụng mọi biện pháp khẩn trương nhằm bảo vệ cá non, xử lý nghiêm mọi hình thức bắt, mua bán cá non.
Trước mắt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân có ý thức bảo vệ cá non cũng chính là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá phát triển bền vững. Đối với hành vi bán và mua cá non, kiên quyết xử lý với hình thức tịch thu hoặc xử lý hành chính, buộc thả cá trở lại ao đìa.
Related news
Từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông, khuyến lâm của tỉnh Bắc Kạn năm 2013, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên đất dốc với giống nhãn chín muộn HTM.
Bằng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tủa Chùa đã thực hiện thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn cho 60 hộ nghèo của 2 thôn Pú Ôn và Nà Áng (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa).
Trở lại bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay rõ ràng về cuộc sống ấm no đang hiện hữu. Những nương sắn, nương ngô cho thu hoạch thấp ngày xưa nay đã phủ kín màu xanh bát ngát của cây cà phê.