Bản Trung Sơn Phát Triển Chăn Nuôi Lợn
Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, những năm qua, một số thôn, bản trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn nói chung và bản Trung Sơn nói riêng đã phát triển chăn nuôi lợn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Vân Kiều.
Bản Trung Sơn, xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có 48 hộ người đồng bào dân tộc Vân Kiều với trên 210 nhân khẩu. Bản nằm cách trung tâm xã khoảng 5 km về phía Tây Nam. Người dân trong bản sống chủ yếu dựa vào nghề đi bẫy thú rừng, gùi thóc, gạo thuê. Chị em phụ nữ ở đây chủ yếu ở nhà làm rẫy và sản xuất nông nghiệp nên đời sống của người dân còn khó khăn.
Trước đây, người dân ở bản Trung Sơn đã từng nuôi lợn thịt, bình quân mỗi năm một lứa, nhưng với phương thức thả rong, giống lợn chủ yếu là giống địa phương. Hơn nữa do thiếu vốn và kỹ thuật, bà con ít đầu tư chăm sóc nên hiệu quả chưa cao.
Xuất phát từ sáng kiến cộng đồng “Thành lập mô hình chăn nuôi lợn thịt bản Trung Sơn” của nhóm nông dân nòng cốt, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh phối hợp với Ban phát triển dự án xã Trường Sơn đã khảo sát lập kế hoạch xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt tại bản dựa trên nhu cầu của người dân và điều kiện thức tế của địa phương và quyết định đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp bà con dân bản Trung Sơn phát triển chăn nuôi lợn thịt.
Ban đầu, bản Trung Sơn có 11 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt. Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phương pháp xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho lợn nuôi, đồng thời đầu tư hỗ trợ mỗi hộ 1 con lợn giống, 2 kg thức ăn hỗn hợp, 20 kg thức ăn đậm đặc theo từng thời kỳ phát triển của lợn và hỗ trợ thuốc thú ý điều trị bệnh cho lợn.
Về hình thức đầu tư, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo hỗ trợ 50% tiền mua con giống, hộ chăn nuôi sẽ hoàn trả sau khi bán lợn thịt. Trong quá trình thực hiện, các hộ chăn nuôi được cán bộ dự án hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi và giám sát theo dõi quá trình phát triển của lợn để có biện pháp giúp hộ gia đình chăm sóc lợn nuôi phát triển.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nên qua hơn 6 tháng thực hiện, mô hình đã đưa lại những kết quả đáng ghi nhận. Lợn nuôi ở các hộ đều phát triển tốt, trọng lượng bình quân mỗi con đạt trên 50kg. Những hộ gia đình có lợn nuôi đạt trong lượng trên 55kg/con như chị Hồ Thị Chủy, Hồ Thị Chanh, Hồ Thị Phức, Hồ Thị Lý và Hồ Thị Hồng.
Từ 1 con lợn nuôi theo mô hình dự án, đến nay, gia đình chị Hồ Thị Thanh đã phát triển lên 5 con/lứa. Mỗi năm gia đình chị nuôi được 2 lứa lợn cho xuất chuồng khoảng 4 tạ thịt lợn hơi đưa lại thu nhập khá cho gia đình. Chị Hồ Thị Thanh cho biết: “Trước đây, do chưa biết kỹ thuật chăn nuôi và ít đầu tư chăm sóc nên lợn nuôi của gia đình tôi chậm phát triển.
Từ ngày được dự án hỗ trợ con giống và kỹ thuật chăn nuôi, tôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cán bộ dự án hướng dẫn trực tiếp nên lợn nuôi của gia đình tôi chóng lớn, thời gian nuôi được rút ngắn nên tiết kiệm được thức ăn và công chăm sóc, vì vậy hiệu quả kinh tế đưa lại khá cao. Từ chăn nuôi lợn, không những gia đình tôi đã tạo điều kiện nuôi con ăn học mà con mua sắm nhiều đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, tôi còn tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác trong bản cùng làm ăn vươn lên thoát nghèo, tạo dựng cuộc sống ổn định”.
Từ 11 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi ban đầu, đến nay ở bản Trung Sơn hầu như các gia đình đều nuôi lợn với quy mô từ 1-2 con/hộ. Hiện nay, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh cũng đã thành lập được tổ quay vòng vốn ở bản Trung Sơn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay (không tính lãi) cho bà con đầu tư mua con giống và thức ăn đảm bảo phát triển chăn nuôi lợn.
Chị Hồ Thị Chương-Thành viên tổ quay vòng vốn cho biết "Từ ngày tham gia vào tổ, tôi được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của dự án để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, hơn nữa các thành viên trong tổ đều được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nên nuôi lợn đạt năng suất khá, đưa lại nguồn thu nhập cho bà con dân bản”.
Điều đáng ghi nhận là hiệu quả đưa lại từ mô hình chăn nuôi đã dần xóa bỏ được phương thức chăn nuôi thả rong của bà con dân bản. Hiện tại, ở bản Trung Sơn, phong trào chăn nuôi lợn phát triển khá mạnh so với các bản khác. Người dân đã biết xây chuồng nuôi lợn và có sự đầu tư chăm sóc nên đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, xây dựng bản làng ngày càng đổi mới.
Related news
Thấy hiệu quả từ việc nuôi heo rừng lai, hai anh em rể Nguyễn Văn Nhẫn và Vũ Ngọc Hùng (thôn 3, xã Tiên Lãnh, Tiên Phước - Quảng Nam) đã mạnh dạn đầu tư mô hình này và bước đầu cho kết quả khả quan.
Vụ xuân 2012, xã Nghĩa Tân- vùng chuyên trồng lúa đặc sản của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã ứng dụng TBKT, mở rộng diện tích gieo sạ hàng. Đây là năm đầu tiên địa phương này tổ chức gieo sạ đại trà.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nhanh chóng triển khai việc cho vay với lãi suất ưu đãi cho chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn vốn ưu đãi vẫn còn "xa tầm với" của doanh nghiệp (DN) và người nuôi cá. Vẫn khó tiếp cận vốn