Giá / Mô hình kinh tế

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất Khẩu Thủy Sản - Chồng Chất Khó Khăn

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất Khẩu Thủy Sản - Chồng Chất Khó Khăn
Tác giả: 
Ngày đăng: 18/06/2012

Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Hải Long (TP.Vũng Tàu)

Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở đạt mức thấp trong vòng 7 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, lao động không ổn định, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi các thị trường lớn đều giảm sản lượng nhập khẩu…

Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh, gần 18% trong cơ cấu ngành hàng xuất khẩu. Năm 2011, toàn tỉnh đã xuất khẩu hơn 117.105 tấn hải sản các loại, đạt kim ngạch hơn 311 triệu USD. Riêng 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngành hàng này đạt 130 triệu USD, tăng 27%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính nhìn chung đã thông thoáng theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp với những giải pháp như: giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, duy trì và ổn định khách hàng, bảo đảm đời sống và việc làm cho người lao động... đã phát huy được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã giảm từ 20% – 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các doanh nghiệp gặp khó khăn về nhiều mặt như: thiếu lao động, thiếu 
nguyên liệu, khó tiếp cận vốn ngân hàng... Ông Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải, cho biết hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 300 - 400 công nhân với nhiều chế độ ưu đãi như nhà ở, tiền lương cao… nhưng thông báo quảng cáo mấy tháng trời vẫn chưa tuyển đủ người.

Thêm vào đó, mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nếu có tiếp cận được thì giá trị nguồn vốn vay được duyệt cũng không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tùng, việc chậm triển khai quy hoạch, các doanh nghiệp không có giấy phép xây dựng cũng gây khó cho doanh nghiệp trong việc vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến hải sản do sản lượng khai thác giảm đang ngày càng trở nên gay gắt. Điều này khiến cho giá nguyên liệu tăng cao cộng với giá xuất khẩu không tăng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang tìm cách đẩy mạnh thu mua nguyên liệu, tăng sản lượng chế biến, tìm kiếm các thị trường mới. Đặc biệt, để giải bài toán thiếu nhân công lao động, một số doanh nghiệp đã có các giải pháp tích cực như hỗ trợ về nhà ở, chi phí sinh hoạt nhằm thu hút nguồn lao động ở xa. Tại hội nghị về vấn đề tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến hải sản mới đây, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các ngành chức năng cần nghiên cứu, tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện những giải pháp ưu đãi phù hợp để cứu các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh BR-VT cần tăng cường kiểm soát các ngân hàng thương mại về việc cho vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Riêng Sở Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc 

thu mua hải sản trái phép, đặc biệt là đối với các thương lái nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

Nữ Nhi Một Nách 4 Con Làm Giàu Từ Đầm Hoang Nữ Nhi Một Nách 4 Con Làm Giàu Từ Đầm Hoang

Ngắm toàn cảnh khu trang trại nuôi tôm hiện đại, bề thế rộng hàng chục ha nơi cửa biển vùng biên ải Móng Cái, nhiều người không khỏi thán phục tâm huyết, công sức của người chủ nhân.

18/06/2012
Giảm Nghèo Nhờ Trồng Gấc Giảm Nghèo Nhờ Trồng Gấc

Từ một sự tình cờ, gấc đến với bà con hai thôn Thạch Bồ, Bắc An (xã Hoà Tiến, Hoà Vang - Đà Nẵng). Tuy nhiên, chính sự tình cờ đó lại là cơ hội đổi đời cho nhiều hộ dân nơi đây. Họ đã giàu lên nhờ gấc.

18/06/2012
Người Tiêu Dùng Lo Lắng Trước Thông Tin Thịt Lợn Chứa Chất Tạo Nạc Người Tiêu Dùng Lo Lắng Trước Thông Tin Thịt Lợn Chứa Chất Tạo Nạc

Beta Agonist là chất dùng để tăng trọng, kích nạc cho thịt lợn, nhưng có thể dẫn đến khả năng gây ung thư cho người tiêu dùng. Vì thế, Beta Agonist đã bị cấm sử dụng cách đây hơn 10 năm. Thế nên, việc một lượng lớn thịt lợn chứa chất tạo nạc Beta Agonist vừa bị phát hiện tại một số tỉnh phía Nam, đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Trên thị trường miền Bắc, lượng thịt tiêu thụ đã giảm đi đáng kể chỉ trong vòng 1 tuần qua.

18/06/2012