Bà Rịa Vũng Tàu: Hái Ra Tiền Từ Cây Trà Xanh
Trà là thức uống quen thuộc của người Việt. Tại các chợ, lá trà xanh được bày bán như rau và luôn đắt hàng. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều người đã tranh thủ phát triển loại cây trồng này trong diện tích vườn nhà hiện có để tăng thu nhập.
THU NHẬP 30 TRIỆU ĐỒNG/SÀO ĐẤT
Anh Tàu Văn Hùng, nhà tại ấp Bắc 1, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa cho biết: Trong một lần ra chợ tìm mua lá trà xanh, anh thấy mặt hàng này rất được nhiều người mua, nên anh nảy sinh ý định trồng trà xanh trên diện tích 1.000 m2 vườn nhà để vừa uống, vừa cung cấp trà lá cho các chợ, cải thiện cuộc sống gia đình. Kết quả thật bất ngờ, trà phát triển rất tốt, sau một năm anh thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó cứ 2 tháng anh lại thu hoạch 1 lần, trong một năm anh thu hoạch được 6 lần, bình quân mỗi lần 750 – 800 kg. Với giá hiện nay tại vườn do thương lái tự cắt là 8.000 đồng/kg, tính ra với 1.000 m2 mỗi năm anh thu nhập trên 30 triệu đồng tiền bán lá trà.
Anh cho biết thêm: Việc trồng trà cũng không khó lắm, chỉ cần xuống giống vào đầu mùa mưa, nhưng phải tưới trong mùa nắng thì trà mới phát triển. Với 1.000 m2 trà, chi phí cho tiền mua giống chỉ khoảng 3 triệu đồng, các chi phí khác như: phân bón và công chăm sóc là không đáng kể. Với diện tích vườn nhà nhỏ chỉ cần tận dụng các nguồn phân rác, phân hữu cơ ủ hoai và công lao động nhàn rỗi có thể tăng thu nhập từ mô hình này. Đến nay, ngoài việc trồng trà cung cấp lá cho thị trường, anh còn thu gom trà ở nhiều nơi để bỏ cho các thương lái từ Bà Rịa đến thành phố Vũng Tàu, mỗi ngày anh thu gom trung bình 1 - 2 tấn lá nhưng vẫn không đủ trà để bán. Ngoài việc thu hoạch lá, những gốc trà lớn được anh vô chậu cẩn thận thành những cây kiểng.
CÂY KIỂNG “HAI TRONG MỘT”
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, nhà tại khu phố Hương Sơn, phường Long Hương, thị xã Bà Rịa là người đam mê cây kiểng cho biết: Hiện nay, đang có xu hướng người chơi cây kiểng “hai trong một”, tức là vừa chơi, vừa sử dụng. Và trà xanh là loại cây như vậy. Theo ông Hiếu, ngoài việc trà có thể cho thế đẹp, màu lá bắt mắt, khi cần có thể hái vài ngọn trà xanh để uống, rất tiện lợi. Để có được những gốc trà kiểng có giá trị, người chơi phải bỏ ra số tiền hàng triệu đồng cho một gốc loại trung bình, còn người trồng phải mất 20 đến 30 năm chăm sóc. Người trồng phải tuyển chọn và bứng từng gốc đưa vào chậu, dưỡng từ 3 - 6 tháng để trà ổn định và ra rễ. Khi trà ra lá non mới tiến hành tạo tán mất 1 - 2 năm sau đó mới vận chuyển đi tiêu thụ. Những công đoạn này phải thật khéo léo, nếu không trà sẽ bị chết.
Diện tích trà xanh hiện nay của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa nhiều, số hộ trồng còn ít, đa số chỉ trồng 1 - 2 cây trong vườn để nấu uống, những hộ trồng diện tích từ 1.000 - 2.000 m2 chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó mặt hàng lá trà xanh này cũng đang rất hút hàng. Nếu biết tranh thủ diện tích vườn để tận dụng phát triển thêm cây trà xanh thì đây sẽ là nguồn thu nhập khá cao cho nhiều nhà vườn
Related news
Từ một người bê tha rượu chè, anh Lê Công Thế (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã "lột xác" thành nông dân sản xuất giỏi nhờ con tôm sú.
Lái Thiêu, vùng đất màu mỡ bên dòng sông Sài Gòn nức tiếng gần xa với những mùa trái chín trĩu quả đã trở thành một định danh du lịch độc đáo của Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu vì thế trở thành một định danh quen thuộc trong tâm tưởng nhiều người.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Bá Thước (Thanh Hóa) có từ lâu, nhưng người dân chỉ nuôi tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm mật ong chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Nhưng nay, nghề này đang ngày càng phát triển, nhất là từ khi có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ.