Prices / Tin nông nghiệp

Áp dụng giá dịch vụ thay thế thủy lợi phí Cú hích mới với sản xuất NN

Áp dụng giá dịch vụ thay thế thủy lợi phí Cú hích mới với sản xuất NN
Author: Đình Thắng
Publish date: Monday. September 19th, 2016

Ông Đỗ Văn Thành – Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), thành viên của tổ soạn thảo dự án Luật Thủy lợi đã có những chia sẻ sâu hơn với NTNN/Dân Việt về nội dung của dự án luật này.

Theo ông Đỗ Văn Thành, việc chuyển từ phí sang giá là một bước đột phá trong Luật Thủy lợi, vấn đề này sẽ được cụ thể hóa bằng nghị định và thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên đối với các hộ nông dân nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các trường hợp nông dân bị thiên tai, mất mùa… sẽ có chính sách giảm giá phù hợp

Vừa qua, dự án Luật Thủy lợi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra bàn thảo. Ông có thể cho biết rõ hơn về những điểm đáng chú ý của dự luật này?

- Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật này, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc Luật Thủy lợi có chồng chéo với một số luật khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai... Chúng tôi rất mừng khi nhiều đại biểu quan tâm và góp ý để hoàn thiện dự án luật này.

Dự án Luật Thủy lợi có rất nhiều điểm mới nổi bật. Đây được xem là bước đột phá lớn đối với sự phát triển của ngành thủy lợi. Điểm thứ nhất, dự luật đề cập đến việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, trong đó nói rõ các công trình thủy lợi lớn phục vụ hàng nghìn ha, hồ đập lớn, trạm bơm, đập dâng vẫn do nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư những hệ thống thủy lợi ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đối với những công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng (quy mô phục vụ từ 100-300ha), nhà nước khuyến khích tổ hợp tác, hợp tác xã đứng ra làm chủ, đầu tư, quản lý và khai thác. Nếu có khó khăn nhà nước sẽ hỗ trợ. Đây là điểm rất mới so với trước.

Đối với các công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư, cơ quan quản lý công trình là cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ nhà nước giao Bộ NNPTNT quản lý thì bộ này sẽ quản lý đặt hàng và đấu thầu với các đơn vị quản lý khai thác), các công trình ở địa phương sẽ do địa phương quản lý. Các công trình thủy lợi do tư nhân đầu tư, sẽ do tư nhân quản lý và khai thác.

Việc chuyển từ phí sang giá không đơn giản là thay đổi ngôn từ mà là “cuộc cách mạng với sản xuất nông nghiệp”. Hiện nay nông dân đang phải chịu chi phí sản xuất rất cao so với thu nhập, vì vậy cần phải quy định rõ điều này để giúp cho dân, chứ không thể chỉ quy định để giúp cho quản lý nhà nước”.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Điểm mới thứ hai là về dịch vụ thủy lợi. Dự thảo coi công tác thủy lợi là dịch vụ có mua và có bán, theo hợp đồng kinh tế và theo thỏa thuận giữa 2 bên. Theo đó, trước đây là thủy lợi phí chỉ có phí, bây giờ sẽ chuyển thành giá dịch vụ.

Một điểm mới nữa là dự án luật sẽ đưa vào 1 chương về thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Trong đó coi tổ chức cá nhân là chủ thể, họ phải đứng ra tổ chức xây dựng quản lý khai thác để hoạt động tốt và hiệu quả. Sau này sẽ có nghị định về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và đề cập đến các nhiệm vụ của thủy lợi nhỏ, nội đồng.

Ông có thể nói rõ hơn vì sao lại phải quy định giá dịch vụ thủy lợi thay cho thủy lợi phí?

-Trước đây, trong việc quản lý khai thác công trình thủy lợi, chúng ta dùng khái niệm thủy lợi phí. Việc sử dụng nước tưới tiêu hoặc dịch vụ thủy lợi chỉ phải trả phí, do vậy dịch vụ thủy lợi chưa được coi là hàng hóa giữa bên mua và bên bán. Hơn nữa, phí quy định không xuất phát từ chi phí sản xuất và quản lý vận hành, do vậy không theo quy luật thị trường, không thể hiện giá sử dụng nước.

Còn dịch vụ thủy lợi sẽ theo quy luật thị trường. Việc chuyển sang giá thể hiện rõ sự minh bạch trong công tác thủy lợi, tạo ra nhiều nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ hơn cho hạ tầng thủy lợi, từ đó phục vụ tốt hơn cho người dân.

Giá thủy lợi sẽ dựa trên cơ sở đầu vào xây dựng công trình, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác và sẽ vận hành tùy theo từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, giống như giá điện, xăng dầu.

Lộ trình áp dụng quy định này như thế nào, thưa ông?

- Dự kiến kỳ họp Quốc hội vào tháng 5.2017, dự án Luật Thủy lợi sẽ được xem xét thông qua. Sau khi Luật Thủy lợi được ban hành thì đến đầu năm 2018 sẽ có hiệu lực. Khi đó các văn bản hướng dẫn dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ được hoàn chỉnh, lúc đó sẽ có các khung giá cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng: Không phù hợp với vùng ĐBSCL

Việc thực hiện giá dịch vụ như trong dự thảo Luật Thủy lợi đề cập, tôi cho rằng không phù hợp với vùng ĐBSCL hiện nay. Ngành nông nghiệp đang có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, việc áp dụng giá dịch vụ sẽ khiến cho bộ máy làm việc trở nên cồng kềnh hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước phục vụ gieo cấy của nông dân ở vùng ĐBSCL không nhiều như miền Bắc. Vào mùa mưa, bà con chủ yếu sử dụng tài nguyên nước từ tự nhiên, nên không thể thu tiền; còn vào mùa nắng, với mức nước ngọt còn lại trên đồng, người dân vẫn có thể dùng được từ 2 - 3 tháng. Như vậy nếu áp giá dịch vụ sẽ rất thiệt thòi cho người sản xuất.

Nông dân Trần Văn Ngỗ (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu): Đừng để nhà nông thiệt thòi

Nếu quy định về giá dịch vụ thủy lợi thì cần quy định rõ ràng về các mức phí, minh bạch các khoản chi về vận hành, nhân công và các khoản hao hụt. Đồng thời, phải tiến hành họp dân, thống nhất giá dịch vụ, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thủy lợi; mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng miễn giảm; các khoản chi đền bù thiệt hại theo hợp đồng cho các bên liên quan... Nhìn chung, đây là một chủ trương đúng nhưng phải làm sao để có lợi cho cả người nông dân và bên cung cấp dịch vụ. Tuyệt đối không để nông dân thiệt thòi.

Ông Trần Hữu Hiệp -  Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Xác định rõ lộ trình, cơ chế thực hiện

Những điều đặt ra trong dự thảo Luật Thủy lợi là rất cần thiết, nhưng liệu chúng ta có làm được hay không? Việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư thủy lợi là hoàn toàn đúng, vấn đề là có cơ chế gì để huy động được tư nhân vào làm các công trình thủy lợi?
Việc biến nước thành hàng hóa là một điều cần thiết, nhưng thực sự không dễ dàng vì muốn nó trở thành hàng hóa, thì phải có thị trường, có người mua thì mới bán được. Như vậy, phải xác định được cơ chế giá để chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, có thiết chế pháp lý, cơ chế quản lý rõ ràng.

Rõ ràng, khi đầu tư một công trình thủy lợi, phải tính được giá trị đầu tư thì mới thu phí được. Nếu tính giá không khéo thì người dân sẽ thiệt thòi, làm kìm hãm quá trình sản xuất.

CHÚC LY (ghi)


Related news

Bỏ trăm nghề, thỏa đam mê với thỏ Bỏ trăm nghề, thỏa đam mê với thỏ

“Vua thỏ”- đó là biệt danh do người dân xã Lương Thị, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đặt cho ông Vũ Huy Quang- người đã gắn bó gần 10 năm với nghiệp nuôi thỏ.

Monday. September 19th, 2016
Hai lúa trồng chuối chất lượng cao theo chuẩn quốc tế Hai lúa trồng chuối chất lượng cao theo chuẩn quốc tế

Không mải mê trồng lúa, muốn thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá”, một nhóm nông dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã “làm liều” cải tạo đất để trồng chuối chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Monday. September 19th, 2016
Tiểu thương hụt hơi gom vàng trắng chở vào đất liền Tiểu thương hụt hơi gom vàng trắng chở vào đất liền

Theo nhiều người chuyên thu mua tỏi ở Lý Sơn để chở vào đất liền bán, chưa bao giờ lượng tỏi tại chợ trung tâm đảo ít như năm nay. Có nhiều thời điểm lượng tỏi mua được chỉ khoảng 500 kg/phiên; ước bằng 1/10 so với các phiên chợ mấy vụ trước.

Monday. September 19th, 2016