Anh Thắng “Mủ Trôm”

Anh Nguyễn Văn Thắng là người đầu tiên “di thực” cây trôm từ vùng đất đồi núi Hòn Bà thuộc xã Phước Nam về trồng trên đồng đất màu mỡ xã Nhơn Sơn cho mủ chất lượng cao.
Anh Sàn A Lộc ở xã Mỹ Sơn - Ninh Sơn giới thiệu với chúng tôi mô hình trồng trôm đạt hiệu quả của anh Nguyễn Văn Thắng 61 tuổi ở xã Nhơn Sơn. Sàn A Lộc nói, nhà báo về ngã ba Đắc Nhơn hỏi anh Thắng “mủ trôm” là bà con chỉ đường đi tới đúng nhà. Anh Thắng là người đầu tiên “di thực” cây trôm từ vùng đất đồi núi Hòn Bà thuộc xã Phước Nam về trồng trên đồng đất màu mỡ xã Nhơn Sơn cho mủ chất lượng cao.
Theo lời chỉ dẫn của Sàn A Lộc, chúng tôi tìm đến thăm anh Thắng “mủ trôm” ở cuối thôn Đắc Nhơn thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Dưới bóng vườn cây xanh mát, anh Thắng dáng cao gầy đang tất bật thu hoạch mủ trôm. Qua trò chuyện với anh chúng tôi được biết, mọi chuyện bắt đầu từ mùa mưa năm 2005, anh Thắng nhặt 60 cây trôm giống “bể bầu” của bà con thôn Phước Lập đem về Đắc Nhơn trồng quanh bờ rào, dọc đường đi vào nhà với khoảng cách 2 mét/cây. Trôm là loài cây bản địa “định cư” trên vùng núi đá nay được anh Thắng “di thực” về trồng thử nghiệm trên vùng đất màu mỡ, bảo đảm đủ nước tưới, cây phát triển rất nhanh.
Chỉ qua một mùa mưa, cây bén rễ vươn cao ngang đầu người. Sau ba năm, cây trôm cao khoảng 3 mét, đường kính thân 15-20 cm, bắt đầu cho thu hoạch mủ. Từ 60 cây trôm trồng đầu tiên còn sống được 52 cây cho thu hoạch mủ trắng tinh bán cho các đầu mối thu mua với giá 120- 150 ngàn đồng/kg.
Anh “thừa thắng xông lên” tiếp tục trồng thêm 110 cây phủ xanh hết diện tích 1,5 sào đất quanh nhà. Gia đình anh Thắng hiện có 162 cây trôm cao 3- 4 mét, đường kính thân cây 20-30 cm. Đối với cây trên 5 tuổi, anh đục 10- 12 lổ đường kính 2 cm, sâu 2 cm; cây dưới 5 tuổi đục 8- 10 lổ. Theo vết lổ đục, cây trôm tiết ra 80- 120 gram mủ tươi/ngày. Vết đục sau 30- 35 ngày tự liền da, người trồng tiếp tục đục lổ mới để khai thác mủ.
Cây trôm cho thu hoạch suốt 8 tháng mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm. Mỗi ngày, anh Thắng thu 16 kg mủ tươi phơi khô được 8 kg. Mủ trôm chở về bán cho vựa đầu mối ở Phan Rang với giá 140 ngàn đồng/kg. Chỉ với 1,5 sào đất trồng trôm, anh Thắng có thu nhập trung bình trên 1 triệu đồng/ngày.
Nhìn thấy Anh Thắng ăn nên làm ra từ hiệu quả kinh tế của cây trôm, nông dân quanh vùng đến học tập kinh nghiệm. Từ “trồng thử, ăn thiệt”, anh Thắng trở thành chuyên gia tư vấn kỹ thuật trồng trôm. “Tuy cây trôm không bị sâu bệnh phá hoại nhưng dê cừu rất “hảo” món lá trôm. Bà con trồng trôm chịu khó chăm sóc, bảo vệ trong năm đầu tiên. Khi cây trôm cao ngang đầu người thì yên tâm chờ ngày thu hoạch mủ.
Trong thời gian cây trôm vươn cành khép tán, bà con tận dụng đất trống giữa các hàng để trồng cỏ, cây rau đậu, cây cho củ để lấy ngắn nuôi dài. Trôm là loài cây dược liệu quý rất cần thiết cho đời sống con người. Nghề trồng trôm và công nghệ chế biến mủ trôm luôn đồng hành phát triển bền vững trong xã hội hiện đại”, anh Nguyễn Văn Thắng vững tin chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù đang ở chính vụ nhưng nhiều ao nuôi thủy sản nước lợ vẫn chưa được nông dân cải tạo, thả giống do điều kiện nuôi không thuận lợi. Lựa chọn con giống và kỹ thuật thả nuôi phù hợp là biện pháp cần thiết để nông dân có thể tận dụng những diện tích ao “bỏ hoang”, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Sau khi trái cam sành vụ nghịch leo lên mức giá trên 30.000 đồng/kg thì ngay lập tức nhiều nhà vườn ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh đã đổ xô trồng cam sành. Và hậu quả như thế nào thì chưa thể đoán được, nhưng thực trạng hiện nay giá cam sành đã tuột thẳng dốc và chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ càphê 2011 - 2012, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn càphê, đạt giá trị gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% về lượng và 24% về giá trị.