Trồng Rong Sụn Mang Lại Hiệu Quả Cao
Do chí phí đầu tư thấp, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao nên cây rong sụn đang là đối tượng nuôi trồng được nhiều hộ dân ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) lựa chọn, góp phần giúp đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.
Trên đường cùng chúng tôi ra vùng biển Cồn Chiêm (phường Cam Phúc Bắc), ông Trần Văn Vinh (tổ dân phố Hòa Do 3) chia sẻ: “Tôi đã trồng rong sụn được gần 10 năm nay. Nhờ cây rong sụn mà cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn”. Theo ông Vinh, chi phí đầu tư trồng rong sụn khá thấp nên rất thích hợp với các hộ ít vốn; để trồng 1ha rong sụn, chỉ cần đầu tư 2 tấn giống ban đầu khoảng 14 triệu đồng và thêm vài triệu đồng để đầu tư giàn trồng rong.
1 tháng sau khi trồng, rong bắt đầu phát triển; và cho thu hoạch 45 ngày/lứa với năng suất hơn 20 tấn rong tươi. Trong vụ vừa qua, gia đình ông Vinh thu hoạch 3 lứa, tổng sản lượng hơn 60 tấn rong tươi, phơi khô được hơn 7 tấn. Với giá bán rong khô là 17.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu được 100 triệu đồng.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Hoàng (tổ dân phố Hòa Do 4), ông Vi Thanh Hưng (tổ dân phố Hòa Do 3) cũng thu được lợi nhuận hàng chục triệu đồng từ việc trồng rong sụn bằng phương pháp dây đơn trên đáy. 2 vụ sản xuất gần đây, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các hộ này cùng với một số hộ dân khác ở phường Cam Phúc Bắc và phường Cam Nghĩa đã thử nghiệm việc trồng rong sụn trong lồng lưới.
Mô hình này được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, bởi hạn chế được việc thất thoát rong cũng như tình trạng cá ăn rong. Theo ông Lê Văn Hoàng, trồng rong sụn trong lồng lưới năng suất sẽ cao hơn, chất lượng rong cũng tốt hơn so với trồng dây đơn trên đáy.
Trồng 1 tấn rong giống theo phương pháp trồng dây đơn trên đáy, sau 6 tháng, nếu thuận lợi sẽ thu hoạch khoảng 30 tấn tươi, tương đương 4 tấn khô; còn trồng rong trong lồng lưới, nông dân sẽ thu hoạch hơn 50 tấn tươi (tương đương khoảng 7 tấn khô), với giá bán 17.000 đồng/kg rong khô sẽ có lãi cả trăm triệu đồng.
Cũng nhờ hiệu quả của mô hình này mà không ít hộ dân ở phường Cam Phúc Bắc đang tính chuyện đầu tư trồng rong trong lồng lưới. Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Bắc cho biết: “Rong sụn đã bén duyên với vùng biển Cam Phúc Bắc 10 năm nay. Hiệu quả cây rong sụn mang lại cho nông dân rất lớn. Nhờ nó mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn trước.
Hiện nay, trên địa bàn phường có 17 hộ chuyên trồng rong sụn với diện tích hơn 25ha. Trong điều kiện thuận lợi, sản lượng rong thu hoạch được hơn 60 tấn/ha, thậm chí có hộ trồng đạt đến 80 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, người dân có thể thu được lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng/ha…”.
Do việc tiêu thụ rong sụn ở địa phương này chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên giá bán chưa cao. Thương lái thu mua rong sụn khô rồi bán lại cho các đơn vị xuất khẩu ra nước ngoài để chế biến bột Carrageenan (một loại bột phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm, mỹ phẩm).
Hiện nay, một số gia đình ở phường Cam Phúc Bắc đã tiến hành việc đóng gói rong khô phục vụ tiêu thụ nội địa để làm các món ăn thông thường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nội địa không phải là điều dễ dàng, bởi nông dân cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Chúng tôi được biết, hiện nay, một nhà máy chế biến rong sụn tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) có công suất 6.000 tấn rong nguyên liệu/năm đang được xây dựng. Để đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy này, việc đầu tư mở rộng vùng trồng rong nguyên liệu sẽ được triển khai. Hy vọng, khi nhà máy đi vào sản xuất, nghề nuôi trồng rong sụn ở các tỉnh Nam Trung bộ sẽ phát triển mạnh, hiệu quả cây rong sụn mang lại cho người dân sẽ cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Do nguồn cung thịt lợn hiện đang khan hiếm, để thu mua được hàng, các lái buôn buộc phải đẩy giá lên 73.000 đồng mỗi cân hơi, tăng gần 50% so với dịp đầu năm. Dù thức ăn chăn nuôi có lên giá 20% như hiện nay thì người nông dân vẫn có lãi tới 3,5-4 triệu đồng mỗi con heo nặng từ một đến 1,1 tạ
Trong Hội nghị bàn các giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức mới đây, con số “tổn thất” sau thu hoạch được lượng hóa là 400.000 tấn/ năm. Tính theo giá thị trường, mỗi năm cả nước mất khoảng 8 nghìn tỷ đồng từ lượng hải sản thất thoát này; tương đương với 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011.
Hiện Quảng Bình như đang “kẹt cứng” giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị, nơi đang có dịch cúm gia cầm.