Anh Nghĩa Làm Giàu Từ Chăn Nuôi

Anh Hoàng Đại Nghĩa sinh năm 1962, quê ở xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đến lập nghiệp tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.
Tháng 3 năm 1983 nhập ngũ học Trường Sĩ quan hoá học sau đó về nhận công tác tại Lữ đoàn 273, Quân đoàn III đến tháng 10 năm 1990 chuyển ngành về làm công nhân Nông trường bông Quán Thẻ.
Là người lính khi về làm công nhân nông trường sản xuất nông nghiệp bản thân không có vốn, thời tiết nơi đây khắc nghiệt ít mưa, thừa nắng, không có nguồn nước để bơm tưới cây, ban đầu trồng bông vô cùng vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng lá bao, đời sống gia đình khó khăn thiếu thốn.
Với bản chất người lính luôn biết cách vượt lên mọi hoàn cảnh khó khăn để chiến thắng, anh xem xét, học hỏi kinh nghiệm của một số hộ gia đình, nghiên cứu tài liệu và quyết định trồng thêm một số cây nông nghiệp như đậu, bắp, lúa.
Nhờ thời tiết thuận lợi, cây trồng được mùa cho thu nhập khá và có lãi, anh mạnh dạn nhận thêm đất khoán, thuê đất của bà con, khai hoang thêm để sản xuất với diện tích trồng tỉa 12 ha. Do chăm chỉ làm ăn, chịu khó nghiên cứu và nắm bắt kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh nên năm nào gia đình anh cũng sản xuất có lãi.
Nhận thấy địa bàn xã phù hợp với việc chăn thả gia súc, anh sử dụng tiền lãi mua bò, ban đầu gửi bà con chăn nuôi giùm, sau ba năm số bò đẻ ra và mua thêm của anh là 36 con. Lúc này anh xây dựng chuồng trại và gom bò về để nuôi với cách làm: bò đực bán mua thêm, bò cái giữ lại, sau hai năm đàn bò của anh là 80 con.
Qua tìm hiểu anh thấy nuôi dê hiệu quả hơn chăn nuôi bò nên anh đã bán đi một nửa số bò hiện có để đầu tư làm trang trại và mua dê về nuôi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên dê nuôi bị chết nhiều, không nản chí anh tìm tài liệu nghiên cứu, tham gia lớp học khuyến nông, lớp thú y và học hỏi thêm một số hộ nuôi dê giỏi, nhờ vậy năm sau đàn dê của anh không bị dịch bệnh, ổn định và phát triển tốt.
Từ chăn nuôi dê thành công, anh nghiên cứu và mở thêm trang trại chăn nuôi cừu. Đến nay anh có hai trang trại chăn nuôi dê cừu với tổng đàn dê 480 con, đàn cừu 270 con, ước tính giá tại thời điểm trên 1 tỷ đồng. Chăn nuôi dê cừu cho anh thu nhập mỗi năm khoảng 350 triệu đồng.
Nhờ chăn nuôi giỏi đến nay gia đình anh có 01 căn nhà xây trị giá khoảng 400 triệu đồng, ngoài ra anh mua thêm 02 căn nhà cho con với giá trị khoảng 600 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi anh còn quan tâm giáo dục con cái nên người: 01 cháu gái hiện nay đang học Đại học ngân hàng năm thứ 3, 01 cháu năm nay thi vào Đại học kinh tế và 01 cháu đang học lớp 11.
Làm giàu cho mình nhưng anh không quên trách nhiệm xã hội. Gia đình anh đã tạo việc làm cho 02 hộ gia đình, giúp đỡ bà con trong xã phát triển chăn nuôi theo phương thức cho vay giống chăn nuôi và lấy tiền sau khi làm ăn có lãi, hỗ trợ một số hộ nghèo vay tiền để sản xuất không lấy lãi.
Trao đổi với anh về kinh nghiệm làm ăn anh cho biết: Từ người lính trở về với tài sản hầu như chẳng có gì nhưng được sự giúp đỡ của mọi người nhất là cấp uỷ, chính quyền xã, anh chí thú làm ăn với phương châm cần, kiệm, lấy ngắn nuôi dài, biết nắm bắt thời điểm sản xuất kinh doanh cây gì, con gì, chủ động nắm bắt kỹ thuật, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên để chăn thả kết hợp với cho ăn thêm và có chế độ chăm sóc thú y khoa học.
Anh được bà con nông dân trong xã, cấp uỷ và chính quyền xã Phước Minh tin tưởng giao giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã liên tục từ năm 1998 đến nay. Anh đã được các cấp Hội cựu chiến binh bình chọn là Điển hình Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của tỉnh giai đoạn 2007 - 2011 để biểu dương tại hội nghị Điển hình tiên tiến Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi toàn tỉnh lần thứ ba - năm 2011.
Có thể bạn quan tâm

70 cán bộ hội ND, trong đó có 40 cán bộ chủ chốt hội cơ sở trong tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017 vừa được Trường Cán bộ Hội ND triệu tập để trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành của hội năm 2012.

Thành phố Hải Phòng không có làng nghề truyền thống nào về nghề rèn, những hộ cá lẻ chuyên làm nghề này cũng ít. Với anh Tiêu Đức Lâm, đây là nghề tay trái, nhưng lại được nhiều người suy tôn là “vua rèn”, bởi tay nghề có hạng và sự mẫn cán của anh trong công việc.

Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL thời gian qua được các chuyên gia xác định nguyên nhân chính là do thuốc BVTV (nông dân sử dụng để diệt giáp xác) tồn dư trong môi trường.