8x “mát tay” nuôi cá giống
Về xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), hỏi thăm khu vực nuôi cá giống của anh Trần Văn Nhàn (SN 1985), ai cũng biết. Anh Nhàn hiện là chủ 1 khu nuôi cá giống rộng lớn cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Từ thành công nuôi cá giống, để tăng thu nhập, anh Nhàn còn đầu tư nuôi lợn, bò sinh sản và vịt. Ảnh: Đức Thịnh
Nghề phụ cho thu nhập chính
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nhàn cho biết: “Nghề sản xuất cá giống vất vả lắm, đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ như nuôi con mọn. Cá con rất nhạy cảm. Trong những ngày nắng nóng cao điểm như hiện nay, các công đoạn nuôi cá giống từ chuẩn bị ao thả, xử lý môi trường đến chăm sóc đều phải rất cẩn thận...”.
Từ thành công nuôi cá giống, để tăng thu nhập anh Nhàn còn đầu tư nuôi 10 con lợn, 3 con bò sinh sản và chăn nuôi vịt. Những ai có nguyện vọng làm nghề, anh Nhàn đều sẵn sàng giúp đỡ, từ kỹ thuật nuôi, cách xây dựng ao đến việc cung cấp giống.
Theo anh Nhàn, trước đây anh chọn đàn lợn là vật nuôi chủ lực với quy mô 10 lợn nái, 200 lợn thịt/năm, còn nuôi cá là nghề phụ. Tuy nhiên, thấy giá lợn hơi đang đà xuống thấp, để hạn chế thua lỗ, nên ngay từ cuối năm 2016 anh đã chủ động không đầu tưvào đàn lợn thịt, giảm dần đàn lợn nái và dồn vốn tập trung nuôi cá giống. Hiện với 2 mẫu nuôi cá giống, anh Nhàn thu về từ 12 – 15 triệu đồng/tháng nhờ xuất bán 3 tạ cá giống.
“Tuy trước đây không chọn cá giống làm vật nuôi chủ lực, nhưng tôi vẫn tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả, lúc đó mới tích lũy được kinh nghiệm như ngày hôm nay. Ban đầu, tôi chỉ nuôi với diện tích nhỏ, sau một thời gian thấy việc nuôi cá giống đem lại hiệu quả, tôi quyết định cải tạo lại diện tích ao có sẵn của nhà (trước chỉ để thả vịt và nuôi cá thương phẩm) để nuôi cá giống. Khác với nhiều người, nuôi xen kẽ nhiều loại cá giống, riêng tôi chỉ nuôi 1 loại cá giống là trắm cỏ” - anh Nhàn thổ lộ
“Gối” lứa nuôi hiệu quả
Hiện toàn bộ diện tích 1 mẫu ao của gia anh Nhàn đã được phân chia thành các ngăn nuôi cá theo từng giai đoạn. Nhờ đó, anh có thể nuôi “gối”liên tục các lứa cá.
Anh Nhàn thường mua cá kích cỡ từ 120 – 150 con/kg về rồi thả cá xuống ao ương khoảng 20 – 25 ngày, sau khi cá lớn đạt kích cỡ khoảng 40 – 50 con/kg để nuôi thương phẩm thì giao cho thương lái. Thức ăn cho cá cũng khá đơn giản, chỉ là cho cá ăn bèo tấm cùng với cám viên nổi do một số công ty sản xuất.
“Giờ người nuôi cá giống khá thuận tiện, chỉ cần nhấc điện thoại “a lô” là có cám, thuốc, tư vấn nuôi cá. Tuy nhiên, cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Cá giống phải khoẻ mạnh, không sây sát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được. Người mua thấy cá bị chết nhiều thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm mua”- anh Nhàn nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, anh Nhàn bộc bạch, cá giống rất kén môi trường sống, người nuôi cần thiết kế ao nuôi xa khu dân cư hạn chế tối đa ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt và chăn nuôi.
Ao nuôi cá phải có đường cấp và thoát nước chủ động, nước phải bảo đảm sạch. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Định kỳ dùng vôi bột cải tạo đáy ao và môi trường nước, duy trì mực nước ổn định, nước ao nuôi bảo đảm luôn có màu lá chuối non.
Related news
Trong sản xuất cá giống, việc vận chuyển con giống là khâu quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ sống và quyết định đến hiệu quả sản xuất cu
Tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm”. Nuôi lươn đồng thương phẩm đem lại hiệu quả cho nhiều địa phương
Hiện nay, nông dân huyện Năm Căn đang phát triển mô hình nuôi tôm kết hợp sò huyết được ngành chuyên môn nhận định mang tính khả thi cao, phù hợp với thổ nhưỡng